Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Tập võ dưới tiếng chuông chùa

5 giờ 30 Chủ nhật, chúng tôi cùng HLV Lê Doãn Hệ tới chùa Đức Sơn. Chùa cách thành phố Huế khoảng 15 phút chạy xe máy, toạ lạc trong một khu đất trũng, sau lưng đàn Nam Giao.

Khi chúng tôi tới nơi, các em đang cùng nhau chơi đùa. Trong bộ võ phục Karate màu trắng, khuôn mặt em nào cũng tươi rói.

Năm 1998, một lần tới thăm chùa Đức Sơn, cảm động trước những thân phận bất hạnh của các em nhỏ mồ côi, võ sư Karatedo Nguyễn Văn Dũng (Trưởng phân đường Karatedo Nghĩa Dũng) nảy ra một quyết định: Dùng tinh thần của võ thuật để dạy cho các em nhỏ mồ côi nơi đây trước tiên là sức khỏe, sau đó là ý chí để vượt qua mặc cảm số phận!

Để đảm bảo việc học văn hóa của các em, buổi tập được bắt đầu khá sớm: Từ 6 giờ sáng cho đến 7 giờ 30 Chủ nhật hàng tuần. Bởi vậy, các em ở đây phải dậy từ 5 giờ 30 để chuẩn bị võ phục.

Ngay những ngày đầu mở lớp, nhờ sự động viên của các sư cô, có nhiều em tham gia luyện tập. Lớp võ đầu tiên đó có 60 võ sinh, được chia thành nhiều lớp khác nhau phù hợp với lứa tuổi, mỗi lớp có một HLV hướng dẫn.

Rồi như một dòng sông chảy mãi, từ lớp võ đầu tiên tròn 10 năm trước, đến nay lớp võ ngày càng đông. Các em chủ yếu từ 5 -15 tuổi, có một số em tập từ khi còn 4 tuổi.

Những ngày đầu, mọi thứ đều thiếu thốn. Từ sân tập nền đất cho đồ đúng kiểu “con nhà võ” cho các em. Sư cô Minh Tú đã xin những chiếc áo chế về, may thành võ phục cho các em.

Hành trang vào đời

Không chỉ dạy võ, các anh HLV còn tổ chức cùng các sư giúp đỡ các em rất nhiều trong cuộc sống. Ban đầu, để góp sức cùng các sư nuôi dưỡng các em, Phân đường Nghĩa Dũng tổ chức việc làm rất có ý nghĩa, mỗi tháng, tất cả các CLB của phân đường Nghĩa Dũng, mỗi võ sinh đóng góp từ 1 - 2 lon gạo, tập trung lại được hàng trăm kilôgam gạo mang tới cho các em nhỏ ở chùa Đức Sơn này.

Việc làm này bắt đầu từ những ngày mở lớp võ tình thương đến bây giờ và được hưởng ứng từ các võ sinh.

Rồi những trận lụt bão tới, ngôi chùa được xây dựng trên mảnh đất vùng trũng này lại bị lao đao. Các anh HLV không quản ngại khó khăn đường xa, lụt lội, tổ chức góp tiền mua mì tôm, gạo mang tới cho các em, giúp các sư cô chằng chống lại nhà cửa cho chắc chắn.

Các anh thực sự trở thành những người cha, người anh thân thiết của các em nhỏ. Nhớ trận lụt lịch sử năm 1999, nước to và lên cao đến nỗi “lực lượng đặc nhiệm” của võ đường cũng không thể lên với chùa được.

Các anh HLV ai cũng lo lắng, không biết rồi các em nhỏ có bị làm sao không ? Vậy mà sau cơn lũ đó, nghe sư cô Minh Tú kể lại, ai cũng thấy vui trong lòng: “Nhờ học võ mà trận lụt này chẳng có em nào ốm đau gì cả, lại còn mang vác gạo giúp các sư nữa!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét