Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Một huyền thoại Sơn Đông

Một huyền thoại Sơn Đông

Môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông (TLSĐ) là một trong những Môn phái mạnh và phát triển nhất hiện nay ở Việt Nam. Ngược theo dòng lịch sử để tìm hiểu về nguồn gốc hình thành và phát triển Môn phái ở Việt Nam thì người đã đưa Môn phái TLSĐ từ Trung Quốc vào Việt Nam là Chen Wei Xin, một lương y chuyên bốc thuốc cứu người của tỉnh Quảng Đông.

Những năm cuối thế kỉ 19 sự loạn lạc, nghèo đói, bệnh tật, cướp bóc diễn ra khắp mọi nơi. ở Trung Quốc là sự chiếm đóng của Tư bản Anh Quốc, Pháp, Nhật,… ở Việt Nam - Đông Dương là ách đô hộ của Thực dân Pháp. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Các nhóm thảo khấu nổi lên cướp bóc khắp nơi. Tuy nhiên cũng có những anh hùng hào kiệt dám đứng lên đương đầu với áp bức bóc lột, bảo vệ giúp đỡ dân nghèo. Đứng đầu những đám hội âý không ai khác thường chính là những cao thủ của khắp các võ phái lớn nhỏ ở Trung Hoa như Thiếu Lâm, Vĩnh Xuân, Nga Mi,... Bên cạnh đó cũng có không ít những truyền nhân của các môn phái chọn con đường “Bốn bể là nhà” như một phương cách để phản kháng lại chế độ áp bức bóc lột, cứu giúp kẻ khó và cũng là để ngao du thiên hạ. Những nhân vật bản lĩnh này đều có võ công cái thế, khí phách quật cường, phiêu bạt khắp chốn. Họ đi đến đâu cũng kết giao bằng hữu với anh em giang hồ cùng chí hướng, đi đến đâu cũng giúp đỡ bênh vực kẻ yếu thế.

Chính trong thời gian này, ở nhiều tỉnh phía nam Trung Quốc, người ta thường hay nghe tiếng một người Quảng Đông chuyên bốc thuốc cứu người với những bài thuốc độc đáo kết hợp cùng một số phương pháp luyện tập võ công đặc trưng. Đó chính là thầy Trần Vi Xìn (Chen Wei Xin), người được tôn là Tổ sư môn phái nổi danh Thiếu Lâm Sơn Đông hiện nay. Không chỉ là một người có danh trong giới võ thuật lúc bấy giờ, vị Tổ sư họ Trần còn là một thầy thuốc giỏi. Trong suốt cuộc đời lang bạt đây đó đầy sóng gió của mình, ông đã không ngừng rèn luyện nghiên cứu hệ thống võ thuật của mình. Ông dần hoàn thiện và bổ sung cả hai phần võ đạo và y đạo. Chính sự kết hợp này đã khiến ông được mọi người hết sức kính phục, biết ơn. Cùng chính vì điều kiện sinh sống vô cùng khắc nhiệt mà từ trước đến nay, ông không thu nhận đệ tử.

Tuy nhiên, như một định mệnh, sau khi sang dến Việt Nam năm 1921, ông lại thu nạp ba đệ tử người Việt là Trần Ngọc Ninh, Trần Vinh Quang và Nguyễn Văn Thơ - sau này là Trưởng môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông. Ông cùng ba học trò lập một đoàn võ Sơn Đông chuyên đi diễn võ bán thuốc khắp nơi.

Ông Nguyễn Văn Thơ (1915 - 2004) sinh tại Vũ Thư - Thái Bình. Lên mười tuổi ông đã đi theo và thụ giáo võ học của thầy. Sau mấy mười năm theo thầy đi khắp Đông Dương ông đã được truyền toàn bộ sở học tinh hoa của môn Thiếu Lâm Sơn Đông.

Có lẽ sau nhiều năm bôn ba, tung hoành ngang dọc, cảm thấy mình cần phải dừng bước, năm 1937 cụ Trần Vi Xìn cùng các đệ tử quay về Hà nội sinh sống tại phố Hàng Buồm cho đến năm 1978 cụ trở về cố quốc.

Trước khi giải nghệ, cụ cho phép các môn đồ của mình truyền bá rộng rãi nền võ học của Thiếu Lâm Sơn Đông.

· Ông Trần Ngọc Ninh đã mở gánh xiếc lưu động nhưng không thu nhận môn đồ.

· Ông Trần Vinh Quang sau một vài năm sinh sống tại Hà Nội đã vào Nam qui ẩn rồi từ đó không còn tin tức gì nữa.

· Ông Nguyễn Văn Thơ chính thức trở thành Trưởng môn Thiếu Lâm Sơn Đông đời thứ 2. Tuân theo sự chỉ dạy của thầy, ông đã trở về quê hương Thái Bình mở những lò võ đầu tiên của mình.

Năm 1932 Ông trở lại Hà Nội tiếp tục truyền dạy võ thuật đồng thời lập ra một đoàn múa Lân đi biểu diễn khắp nơi. Trong những năm tháng đó ông kết giao thân thiết với nhiều cao thủ các võ phái khác như ông Tiền, ông Khánh, ông Tụng của Thiếu Lâm...

Từ năm 1938 đến năm 1954 là những năm tháng khốc liệt nhưng oai hùng của ông Nguyễn Văn Thơ và các bạn ông. Để có một chỗ đứng cho đoàn Lân của mình trước sự cạnh tranh của hàng chục các đoàn Lân khác, ông và các bạn đã trải qua hàng trăm cuộc thi đấu lớn nhỏ, không ít các cao thủ phải bái phục trước tài nghệ của ông và biệt hiệu "Hắc Phi Hùng - Nguyễn Văn Thơ" bắt nguồn từ đó.

Người ta thấy được từ ông sự uyên bác trong cách đối nhân xử thế, sự tài ba bản lĩnh trong những trận đọ sức, sự đức độ vì y võ xuất chúng. Tất cả những điều đó đã làm cho tiếng tăm của môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông ngày một vang xa.

Ngày 1-3-1954 là một sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời của vị Trưởng môn Sơn Đông. Một cuộc thi đấu đối kháng quyền thuật quy mô lớn được tổ chức tại Hà Nội trong suốt mấy ngày liền. Hầu như tất cả các anh tài cao thủ trong giới đều dồn về đây thi đấu. Các cao thủ so tài với nhau ganh đua từng đòn thế, từng thời khắc ra đòn. Luật đấu loại trực tiếp dường như càng làm cho không khí các trận đấu thêm ngột ngạt căng thẳng. Rõ ràng đây không chỉ còn là một giải thi đấu thông thường mà sự chiến thắng còn là vinh dự của cá nhân và toàn môn phái. Với hậu thế cuộc đấu đài ấy dường như là một truyền thuyết, một câu truyện vô cùng đẹp đẽ về vị Trưởng môn này. Bằng chứng cho điều đó chính là chiếc cúp vô địch do đích thân ngài Thủ Hiến Bắc Việt trao tặng cho ông. Đến nay chiếc cúp này đã trở thành vật gia bảo của môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông, một kỷ vật vô giá của vị Tổ sư đời thứ 2 truyền lại cho đời đời các thế hệ đệ tử của bản môn. Đó là bảo vật luôn gợi nhớ quá khứ hào hùng oanh liệt của các vị Tổ sư và cũng là động lực để các đời đệ tử, đệ tôn noi theo làm rạng danh môn phái. Hiện nay chiếc cúp này đang được lưu giữ bảo quản ở Tổng Đàn - Võ đường chính của môn phái tại 244 Lương Yên - Hà Nội.

Sau ngày giải phóng Thủ đô và trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Văn Thơ đã làm việc tại nhà máy xay Lương Yên và tham gia huấn luyện võ thuật cho các tự vệ của nhà máy. Khi đất nước thống nhất ông nghỉ hưu, mở võ đường tại nhà riêng của mình. Cũng chính trong thời gian này, ông đã thu nhận rất nhiều môn đồ xuất sắc như võ sư Hùng, võ sư Khang, võ sư Tùng, võ sư Lợi, võ sư Hải, võ sư Khanh, HLV Long, HLV Thắng và nhiều võ sư HLV khác... Chính những đệ tử này là thế hệ thứ ba tiếp bước ông làm rạng danh môn phái.

Theo trào lưu chung của võ thuật, các học trò của ông không chỉ nắm bắt và tập luyện những tuyệt học của môn phái, mà họ còn tham gia, đóng góp vào các môn võ thuật thể thao đỉnh cao khác như Wushu- Sanshou, Taolu, Judo,…Tuy vậy, trong những võ đường Sơn Đông hay trong cả các lớp đào tạo huấn luyện vận động viên võ thuật thể thao do các võ sư, HLV của môn phái phụ trách, họ vẫn thường nhắc đến ông như một người thầy mẫu mực, một người cha, người ông đáng kính.

Năm 1982 Sở TDTT Hà Nội có chủ trương khôi phục lại các môn võ cổ truyền, ông Nguyễn Văn Thơ đã âm thầm chuẩn bị cho đợt ra mắt đầu tiên của môn phái.

Năm 1987 các môn đồ của ông chính thức ra mắt trước công chúng trong Hội diễn võ thuật Hà Nội và đã gây được tiếng vang lớn. Với sự thể hiện những bài quyền thuật, thương thuật,… đặc trưng vô cùng độc đáo và sự phô diễn công phu đặc dị của môn phái, khán giả Hà nội nói riêng và nhiều tỉnh thành trong cả nước nói chung đã yêu mến hơn, khâm phục hơn tuyệt học Sơn Đông.

Trong những năm tiếp theo 1988-1990 các môn đồ của ông như Võ sư Trịnh Đức Hùng, Dương Ngọc Hải,… đã dành được rất nhiều huy chương các loại trong những Hội diễn võ thuật của Thủ đô, khu vực phía bắc và toàn quốc. Đặc biệt có Võ sư Trịnh Đức Hùng và Trần Hải Yến đã được vinh dự lựa chọn tham gia đoàn võ thuật của Việt Nam đi biểu diễn thi đấu tại Liên Xô cũ. Với các tuyệt kỹ của môn phái anh Trịnh Đức Hùng đã để lại những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ tại những nơi mà đoàn đã đến tham gia.

Năm 1987, ông Nguyễn Văn Thơ đã cùng với các võ sư của các môn phái khác tham gia thành lập Hội võ thuật Hà Nội. Do những thành tích đã đạt được cũng như những đóng góp rất lớncủa mình, ông được bầu làm Uỷ viên Hội đồng cố vấn Hội võ thuật Hà Nội.

Theo xu hướng phát triển chung của võ thuật cổ truyền Việt Nam, ông đã cho phép các môn đồ của mình mở võ đường riêng và từ những võ đường này đã đào tạo được nhiều môn sinh xuất sắc. Toàn môn sinh môn phái đã luyện tập không ngừng theo tinh thần võ đạo truyền thống của bản môn. Chính sự luyện tập ấy đã mang lại cho Thiếu Lâm Sơn Đông trên 100 huy chương các loại trong nhiều kì hội diễn võ cổ truyền Hà Nội được tổ chức hàng năm.

Đặc biệt với chủ trương đào tạo vận động viên hạt giống cho các môn thể thao võ thuật đỉnh cao, Môn phái đã cung cấp khá nhiều võ sinh giỏi. Thành tích mà các võ sĩ đạt được là niềm tự hào của nền võ thuật Việt Nam nói chung và niềm vinh dự của Thiếu Lâm Sơn Đông nói riêng.

Theo thời gian, sự phát triển của Sơn Đông ngày một lớn mạnh. Nhớ khi xưa vị Tổ môn phái một mình lang bạt, chỉ nhận có ba đồ đệ người Việt. Rồi đến Trưởng môn đời sau, ông cũng rất khắt khe và kỹ lưỡng trong việc nhận học trò. Theo truyền thống riêng của môn phái, khi muốn ra nhập bản môn, võ sinh phải sắm một lễ nhỏ đến xin Trưởng môn nhân. Sau khi kiểm tra tư cách, mục đích học võ hoặc thử khả năng cá nhân, Trưởng môn mới xem xét tuỳ theo từng trường hợp mà chấp nhận hay từ chối. Những người này sẽ được làm lễ Bái Tổ và chính thức là môn đồ của môn phái. Tuy nhiên đến nay, môn quy này đã có sự thay đổi cho phù hợp với sự phát triển và quảng bá võ thuật theo phong trào. Chỉ những môn sinh nào sau khi tham gia luyện tập trong môn phái một thời gian, thực sự đam mê theo đuổi võ công bản môn, có sự đóng góp cống hiến nhất định cho môn phái và nhất thiết phải có sự giới thiệu, bảo lãnh của sư phụ mình mới được phép làm lễ Bái Tổ, trở thành một môn đồ thân cận trung thành của môn phái Sơn Đông. Quy định này đã làm cho môn phái vừa có thể nhân rộng và phát triển hơn nữa, lại vừa không làm mất đi ý nghĩa giáo lý truyền thống của bản môn.

Hiện nay, Môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông có 8 võ đường chính do các Võ sư, HLV là truyền nhân đời thứ 3 của môn phái truyền dạy. Từ các võ đường chính này, hàng chục các phân đường, tiểu phân đường ở khắp các miền tổ quốc và cả ở một số nước trên thế giới do các đệ tử môn phái phụ trách quản lý. Hàng chục Võ sư, HLV cùng hàng nghìn luợt môn sinh đã và đang theo học môn phái với tinh thần thượng võ cao quý của người Việt Nam cùng với bản sắc anh hùng vốn có của môn phái.

Do đánh giá cao tài năng và những cống hiến của ông Nguyễn Văn Thơ, năm 1998 Sở TDTT Hà Nội đã chính thức công nhận ông là Võ sư cao cấp - Trưởng môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông. Tới năm 2001, trong Đại hội Môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông lần thứ nhất, Hội võ Cổ truyền Hà Nội cũng đã chính thức công nhận lịch sử môn phái cũng như toàn bộ hệ thống cơ cấu tổ chức của TLSĐ.

Cho đến những năm tháng cuối đời, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn ngày ngày truyền dạy các khẩu quyết võ học tinh hoa của Thiếu Lâm Sơn Đông cho các cao đồ thân thiết của mình tại Tổng đàn môn phái ở 244 Lương Yên- Bạch Đằng - Hà Nội. Ông cũng luôn căn dặn các học trò của mình: "Chuyên cần luyện tập, rèn luyện bản thân, tận tâm tận lực làm rạng danh Môn phái".

Tuân theo lời giáo huấn trên các môn đồ của Thiếu Lâm Sơn Đông quyết tâm:

  • Đoàn kết xây dựng Môn phái ngày càng lớn mạnh.

Mở thêm nhiều võ đường, phổ biến rộng rãi kĩ thuật của Môn phái tới mọi tầng lớp thanh thiếu niên góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng theo định hướng của Hội võ thuật Cổ truyền Hà Nội. Thông qua đó tuyển chọn và phát hiện nhân tài đóng góp cho các môn võ Quốc tế thi đấu TT với thành tích cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét