Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Các môn phái Thiếu Lâm ở Sài Gòn - Chợ Lớn

Hiện nay ở vùng Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) tập trung khá nhiều môn phái võ cổ truyền Trung Hoa, như: Hồng Gia, Châu Gia, Bạch Mi, Thái Lý Phật, võ Đang, Thái Cực Đường Lang..., tựu trung đều có xuất xứ từ Thiếu Lâm, sinh hoạt nhộn nhịp, sôi động cùng với các đội Lân, Sư, Rồng... biểu hiện qua các đợt lễ hội, Tết Nguyên đán...Tìm hiểu về hoạt động của "thế giới võ Tàu" này cũng là điều lý thú.

1. THÁI CỰC ĐƯỜNG LANG

Đây là môn phái khá danh tiếng trong những thập niên qua. Tổ sư của môn phái này là Vương Lang, một con người nhỏ bé, nhưng rắn chắc. Cũng giống như các đồng liêu khác, Vương Lang theo học võ ở Thiếu Lâm Tự. Tại chùa này, mỗi năm đều tổ chức "đả lôi đài" để cho tất cả môn sinh có dịp tỉ thí, so tài cao thấp, đồng thời cổ vũ cho phong trào. Xui cho Vương Lang, năm nào cũng thua. Buồn quá, ông vác kiếm vào rừng nằm nghỉ, đang mơ màng bên gốc cây, ông bỗng nghe tiếng ve kêu và thấy con ngựa trời đang đánh nhau với con ve ấy. Theo dõi từng động tác của con ngựa trời, ông mới nghiên cứu thủ pháp của nó, nhưng chưa có bộ pháp, ông nghiên cứu tiếp về cách chạy nhảy, leo trèo của con khỉ mà lập thành hệ bộ pháp. Tổng hợp lại, ông có được bộ pháp, thủ pháp, rồi khổ luyện, năm sau ông dùng môn võ mới sáng chế này đánh thắng hết. Sư phụ nghe ông kể chuyện, tấm tắc khen ngợi. Đó là thời đại cuối đời Minh. Bởi vậy, Đường Lang có nghĩa là "con ngựa trời"- một môn phái mới trong trang sử Thiếu Lâm. Đường Lang đến Việt Nam vào cuối năm 1951, qua ông Triệu Trúc Khê.

Triệu Trúc Khê mồ côi khi lên 6 tuổi, được người cô làm nghề vá thuê quần áo ở Sơn Đông, đem về nhà nuôi dạy. Một hôm, có vị hoà thượng ở trên núi xuống mua sắm thức ăn, đã để ý đến cậu bé Khê và thương lượng với bà cô mang cậu bé lên núi truyền dạy kinh và võ công. Hai mươi năm sau, người cậu ở Sơn Đông- đang hành nghề bảo tiêu viết thư cho Triệu Trúc Khê, gọi về làm bảo tiêu. Vào Bảo tiêu cục, ông Khê phải thi võ và nhờ tài nghệ cao cường ông đã vượt lên trên tất cả mọi người, được cử làm đội trưởng, lúc nào bên mình cũng có "phi đà" (đầu có cục tạ tròn, dài 10m) làm vũ khí đi đường.

Ông qua Việt Nam và đến Sài Gòn vào cuối năm 1951, chính thức mở lớp dạy võ tại câu lạc bộ Tinh Võ (quận 5) đầu năm 1952. Môn võ mới này có tên là: "THÁI CỰC ĐƯỜNG LANG". Tại sao lại có thêm "Thái cực" vào đây? Số là trong một lần hộ tống bảo tiêu trở về, đi ngang núi Đại Cổ Sơn, ông gặp một vị đạo trưởng tuổi đã 90, rất giỏi Thái Cực tên là Trương Vạn Thu- cháu đời thứ 11 của tổ sư Trương Tam Phong thấy Triệu Trúc Khê là một thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú, mới truyền lại cho ông Thái cực quyền, Thái cực kiếm, Thái cực đaoo và Thái cực chưởng. Khi xuống núi Triệu Trúc Khê lại gặp 2 cao thủ Đường Lang tên là Trì Thủ Kính và Nhậm Phụng Nhuệ. Sau khi xem biểu diễn, ông thấy võ Đường Lang nhanh lẹ, biến hoá diệu kỳ nên chấp nhận bái kiến sư phụ.

Ông Triệu Trúc Khê- đời thứ 7- dạy võ "Thái cực Đường Lang" ở Sài Gòn cho đến năm 1969 thì về lại Hồng Kông, giao quyền cho ông Tạ Xy Vinh. Ông qua đời ngày 24.6.1991 (âm lịch), thọ 93 tuổi (đúng vào ngày giỗ tổ môn phái). Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh chỉ còn lại 2 đệ tử: Trần Minh và Trần Tòng Bá, thuộc hàng "thập nhị thái bảo", tức là 12 vị đệ tử nhập thất.

Môn "Thái cực Đường Lang" có thể chia làm 2 phần: Thái cực có 5 bài quyền và 1 bài kiếm, binh khí có 25 bài, người lớn tuổi tập rất thích hợp. Đường Lang có khoảng 40 bài, xuất quyền nhanh, mạnh, phù hợp với lớp trẻ. Hiện nay môn "Thái cực Đường Lang" truyền bá rộng rãi trong vùng Chợ Lớn, trước hết có võ đường Trần Minh (khoảng 50 môn sinh), đến chùa ông Bổn (80 người, từ 13 đến 75 tuổi, 2/3 nữ tập Thái cực), chùa Tam Sơn, nhà thờ Cha Tam, nhà Văn hoá Quận 5...

2. THÁI CỰC QUYỀN VÕ ĐANG

Tổ sư của môn phái là Trương - Tam Phong (đời nhà Minh) ở núi Võ Đang (bắc Trung Hoa), sau này có nhiều chi phái nổi tiếng như: Vương gia, Ngô gia, Trịnh gia, Đặng gia, nhưng vang danh nhất là Vương Đình Phổ (phổ biến rộng rãi). Những bài võ đặc trưng của môn phái gồm có: Mai hoa quyền (3 bài) thiên về nhu, Hắc Hổ (2 bài) thiên về cương, Trương Quyền có nhu, cương, thủ, tấn, nhưng độc đáo nhất là kiếm, trong đó có 2 bài hay nhất: Thanh long kiếm và Phi long kiếm. Môn sinh phải học 3 năm về quyền rồi mới đến binh khí.

Môn "Thái cực quyền Võ Đang" hiện đang được truyền dạy ở các tụ điểm: câu lạc bộ Lê Hồng Phong, công viên Văn Lang, Tao Đàn, do ông Tăng Phước Dân đảm trách, sau khi thấy Tạ Nam-đã 83 tuổi - lui vào ẩn dật.

3. THIẾU LÂM CHÂU GIA

Châu gia có nghĩa là gia phái thuộc họ Châu (từ thời nhà Thanh).Lúc mới sáng lập gọi là Châu gia ngũ hổ, gồm có: Châu Long (anh trai), Châu Biêu, Châu Hải, Châu Điền và Châu Hiệp. Môn phái này hiện đang hoạt động dưới danh nghĩa các đội Lân như: Thanh Nghĩa đương, Công Tín đường, Nhơn Nghĩa đường...; trong đó Nhơn Nghĩa đường có lực lượng huấn luyện viên, võ sinh khá đông, làm nòng cốt cho đội Lân, Sư, Rồng, Nhơn Nghĩa đường thường xuyên biểu diễn trong những ngày lễ hội, tết...rất được nhiều khán giả hậm mộ.

Môn phái "Thiếu Lâm Châu gia" có 36 bài quyền (có 8 bài thuộc Bắc phái), trong đó nổi tiếng nhất có: La Hán quyền, Phục hổ quyền (gồm Đại Phục Hổ và Tiểu Phục Hổ). Ngoài ra còn có 10 bài quyền dựa theo "thập đại hình tượng": long, xà, hổ, báo, hạc, sư, tượng, mã, hầu và kê. Các môn sinh học theo từng cấp bậc: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, trợ giáo và giáo luyện (cấp sư phụ), học khoảng 4-5 năm thì hết chương trình. Học quyền trước, sau đến binh khí (thập bát ban), rồi nội công. Tập nội công phải bắt đầu từ lúc 6-7 tuổi thì mới có cơ thành đạt, gồm có: động công như Ngũ cầm hý, Dịch cân kinh, định công thì đứng tấn, ngồi thiền, trồng chuối. Võ đường Nhơn nghĩa sẽ luyện thêm các ngón nội công như: bàn tay, chân tựa trên dao bén, đặt tảng đá trên lưng lấy búa tạ đập, dùng đầu đập vỡ 2 cây nước đá (loại 50kg)...chắc chắn sẽ làm người ta xem hài lòng và thán phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét