Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

NGUỒN GỐC VỊNH XUÂN

Tổ sư của Vịnh Xuân, bà Nghiêm Vịnh Xuân (Yim Ving Tsun) , là người Quảng Đông, Trung Quốc. Khi còn trẻ, bà là người thông minh, nhanh nhẹn, quật cường và có khí phách nam nhi. Bà được hứa hôn với Lương Bác Trù (Leung Bok Chau), một người buôn muối ở Phúc Kiến. Sau đó một thời gian ngắn, mẹ bà qua đời. Cha bà, Nghiêm Nhị (Yim Yee), bị vu tội, chút nữa thì phải đi tù. Do vậy, gia đình phải ly hương, cuối cùng tới sinh sống tại chân núi Đại Lương, vùng biên giữa hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Đó là vào thời vua Khang Hy (1662-1722).

Thời đó, võ công của Thiếu Lâm Tự, ở Tung Sơn, Hồ Nam, đã rất cao, khiến triều đình Mãn Thanh lo sợ, nên đưa quân đến tấn công chùa, nhưng thất bại. Chan Man Wai, trạng nguyên năm đó, vì muốn làm vui lòng triều đình, đã lập mưu cùng các nhà sư Thiếu Lâm là Mã Ninh Nhi (Ma Ning Yee) với đồng bọn. Chúng đã phát hỏa đốt chùa khi quân lính tấn công bên ngoài. Thiếu Lâm Tự bị đốt trụi, các nhà sư phải tản mát. Các đại sư Ngũ Mai (Ng Mui), Chí Thiện (Chi Shin), Bạch My (Pak Mei), Phùng Đạo Đức (Fung To Tak), Miêu Hiển (Miu Hin) chạy thoát mỗi người một ngả.

Ngũ Mai ẩn thân tại đền Bạch Hạc, trên núi Đại Lưong. Tại đây, bà quen Nghiêm Nhị, và con gái ông, Nghiêm Vịnh Xuân, vì bà thường mua đậu phụ ở cửa hàng của ông.

Vịnh Xuân lúc đó là một cô gái trẻ, đẹp khiến một tên côn đồ địa phương chú ý. Hắn ép cô cưới hắn. Cô và cha cô rất lo lắng. Ngũ Mai biết chuyện đó và rất thương cô gái. Bà đồng ý dạy võ cho Vịnh Xuân để cô có thể tự bảo vệ. Lúc đó, cô có thể tự mình giải quyết tên côn đồ và cưới Lương Bác Trù, người chồng đã đính hôn của mình. Vịnh Xuân theo Ngũ Mai lên núi và bắt đầu học võ. Cô luyện võ cả đêm lẫn ngày cho đến khi thuần thục. Khi đó, cô đã thách đấu và đánh bại tên côn đồ nọ. Ngũ Mai quyết định lên đường chu du vòng quanh đất nước. Nhưng trước khi lên đường, bà đã bắt Vịnh Xuân thề giữ nghiêm các môn quy, phát triển võ thuật ngay cả sau khi cưới, và phải giúp nhân dân lật đổ nhà Thanh, khôi phục nhà Minh. Đó là về chuyện Ngũ Mai đã truyền môn Vịnh Xuân như thế nào.

Sau khi cưới, Vịnh Xuân dạy võ cho chồng là Lương Bác Trù. Ông ta lại truyền cho Lương Lan Quế (Leung Lan Kwai). Lương Lan Quế lại truyền cho Hoàng Hoa Bảo (Wong Wah Bo) là diễn viên của một gánh hát trên thuyền, tức Hồng Thuyền. Hoàng Hoa Bảo ở cùng với Lương Nhị Đệ (Leung Yee Tei) tại Hồng Thuyền. Tình cờ, đại sư Chí Thiện, khi trốn khỏi Thiếu Lâm đã giả dạng làm đầu bếp trên Hồng Thuyền. Chí Thiện dạy Lục Điểm Bán Côn cho Lương Nhị Đệ. Hoàng và Lương thân nhau nên nói chuyện về võ thuật với nhau. Họ cùng nhau xem xét, trao đổi và hòan thiện võ thuật. Từ đó, Lục Điểm Bán Côn được nhập vào Vịnh Xuân.

Lương Nhị Đệ truyền cho Lương Tán, một danh y tại Phật Sơn. Lương Tán đã ngộ được những bí quyết của Vịnh Xuân và đạt được tuyệt đỉnh võ học. Nhiều võ sư đến thách đấu với ông nhưng đều thua. Lương Tán trở nên rất nổi tiếng. Sau này, ông truyền cho Trần Hoa Thuận (Chan Wah Shan), ông đã thu nhận tôi làm môn sinh cách đây nhiều thập kỷ. Tôi đã luyện võ cùng các huynh đệ như Ngô Tiểu Lỗ (Ng Siu Lo), Ngô Trọng Tố (Ng Chung So), Trần Nhữ Miên (Chan Yu Min) và Lôi Nhữ Tế (Lui Yu Jai). Vịnh Xuân đã được truyền đến chúng ta như vậy, và chúng ta vĩnh viễn biết ơn các Tổ sư và Sư phụ. Chúng ta sẽ luôn nhớ và tôn trọng nguồn gốc của chúng ta, tình cảm chung đó luôn đoàn kết môn phái chúng ta. Chính vì vậy, tại sao tôi lại tổ chức “Vịnh Xuân Đồng Môn” (Chú thích: Tổ chức này không được thành lập, thay vào đó, Liên đoàn Vịnh Xuân Hồng Kông được thành lập) mà tôi hy vọng các anh em đồng môn ủng hộ. Điều này rất quan trọng để thúc đẩy môn phái./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét