Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Tay không hạ 47 con bò mộng...

TỰ TRUYỆN CỦA VÕ SƯ MAS OYAMA

Võ sư Oyama Masutatsu (Đại Sơn Bội Đạt) sinh ngày 27-7-1923 và mất ngày 26-4-1994. Ông nhập môn Karate- Shotokan vào năm 1938, học với Funakoshi Yoshitaka (người con trai thứ ba của võ sư Funakoshi Gichin) và được nhị đẳng chỉ sau hai năm tập luyện. Sau đó, Oyama tập Karate Goju – ryu từ võ sư So Neichu người Triều Tiên (So Neichu từng là vô địch Quyền Anh của 6 trường Đại học vùng Kansai, Nhật Bản) và nhận tứ đẳng.

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc. Ước mộng trở thành sĩ quan lục quân của Oyama tan vỡ, ông sống những ngày tháng giang hồ và thường xuyên gây gổ với lính Mỹ đồn trú trên đất Nhật. Nhưng có một quyển sách Oyama đọc được khi còn là học sinh, truyện kể về kiếm sĩ nổi tiếng của Nhật Bản là “Miyamoto Musashi” đã chuyển hướng Oyama đi theo con đường khác, con đường của sự hoàn thiện. Oyama quyết định sống trọn đời với Karate.

Năm 1946, Oyama vào núi Minobu tại Yamanashi tu luyện Karate. Năm 1947, Oyama đoạt chức vô địch Karate toàn Nhật Bản do Enshin-Kai tổ chức tại Hội đường Maruyamam Kyoto. Năm 1948, Oyama lại ẩn cư và tu luyện Karte lần thứ 2 tại núi Kiyosumi huyện Chiba.

Năm 1950, Oyama hạ sơn và tử chiến với bò mộng tại thành phố Tateyama huyện Chiba. Bắt đầu từ đây, Mas Oyama trở nên nổi tiếng. Ông biễu diễn Karate tại nhiều nơi trên thế giới, hạ được 47 con bò mộng bằng tay không (4 con chết tại chỗ). Nhận lời thách đấu 7 trận và toàn thắng tại Mỹ năm 1952. Được công chúng Mỹ đặt danh hiệu “God Hand” (Thần Thủ) vào năm 1955, khi ông biểu diễn đòn Shuto chặt bay cổ chai rượu Whisky. Tháng 1-1964, các võ sư Muay Thai thách đấu với Karate Nhật Bản, giới Karate Nhật Bản từ chối vì cho là “tà đạo” nhưng Oyama nhận lời cùng với ba môn đệ là Kurozaki, Nakamura, Ozawa sang Bangkok giao đấu với Muay Thai. Thắng 2 trong 3 trận, giữ uy tín cho Karate Nhật Bản. Và còn rất nhiều chiến tích về ông, con người của huyền thoại…

Ở một khía cạnh khác, Mas Oyama là một võ sư Karate có khả năng sáng tác rất mạnh mẽ. Kể từ sau tác phẩm “What is Karate?” xuất bản tại Nhật tháng 1-1958, và tạo nên kỷ lục sách bán chạy nhất (Best Seller) tại hải ngoại, võ sư Mas Oyama còn viết 13 quyển sách về kỹ thuật. Sách tự truyện ghi lại cuộc đời tu luyện Karate của ông gồm 8 quyển. Luận văn võ đạo gồm 20 quyển v.v…Ông còn là giám đốc của nhà xuất bản Power Karate và giám đốc phát hành của tạp chí “Power Karate” xuất bản hang tháng tại Nhật. Cho đến cuối đời, Mas Oyama vẫn còn một công trình dang dở là tác phẩm “Karate Bách khoa từ điển” (bắt đầu viết vào năm 1980. Năm 1997 tác phẩm này đã được các môn đệ của ông biên tập và cho xuất bản với nhan đề “Karate toàn khoa – The Un-finished Encyclopedia of Karate”, tập 1 (phần lý luận) giá khoảng 1.200.000 đồng VN).

Trong những tự truyện của Mas Oyama thì “Sekai Kenka Ryoko” (Du hành vào thế giới chiến đấu) là tác phẩm đầu tiên. Sách do Nhà xuất bản KK Best Sleller ấn hành lần đầu năm 1968 tại Tokyo. Trải qua 10 chương, tác phẩm này là cuộc du hành của võ sư Mas Oyama đến 32 quốc gia để tìm hiểu và giao đấu với các môn võ thuật. Tuy nhiên, có hai giai đoạn quan trọng trong cuộc đời võ sư Mas Oyama được thuật lại tại chương 7: Thời gian tu luyện trên núi và sự kiện gặp gỡ một võ sư Hồng Kông. Đến đây tôi xin trích dịch toàn bộ chương 7 trong tác phẩm “Sekai Kenka Ryoto” giới thiệu đến bạn đọc STVT (Sổ tay võ thuật) (dựa theo bản in lần thứ 16, ấn hành năm 1975 của cùng nhà xuất bản; những tiểu mục cũng dựa theo bản gốc Nhật ngữ).

Bài dịch này như để kỷ niệm 4 năm ngày qua đời của “Thần thủ”, và ngày này đối với dịch giả là một niềm nuối tiếc mãi mãi. Vào 4 năm trước, khi anh bạn Yamaguchi Toshio từ Nhật Bản bắn tin sang: “Mas Oyama đã mất!”. Tôi bang hoàng, tôi cảm thấy mình muộn màng quá. Tôi sẽ không còn cơ hội để thực hiện dự định: được gặp huyền thoại Mas Oyama, dù chỉ một lần trong đời.

DU HÀNH VÀO THẾ GIỚI CHIẾN ĐẤU

Một quyền pháp gia ở Hồng Kông

Tu luyện trong núi

Tôi chính thức nhập môn Karate khi 17 tuổi, nhưng từ năm 14 tuổi tôi đã làm quen với Kempo. Vì vậy, tôi đã bước đi trên con đường Võ đạo được gần 30 năm và không kể thời thơ ấu, cho đến bây giờ tôi có hai lần thực cảm rõ ràng là mình trở nên mạnh mẽ.

Thực cảm đầu tiên, trải qua từ năm 1948 đến 1950, trong khoảng thời gian tu luyện tại núi Kiyosumi - huyện Chiba; vào lúc tôi thành công việc dùng Karate đánh vỡ sỏi đá.

Núi Kiyosumi, từ ga tàu lửa Abokominato đi khoảng 10 cây số, là nơi có thực vật rất phong phú. Trong núi sâu có chùa Kiyosumi nổi tiếng, nơi tu nghiệp của thầy Nhật Liên Thượng Nhân. Chánh điện của chùa được xây dựng vào cuối thời Edo (thời đại Giang Hộ Mạc Phủ: 1603 – 1867, ND). Trước chánh điện này có một cây sam to lớn cao chừng 50 thước tồn tại như một kỷ vật của thiên nhiên.

Quyết định lên núi của tôi xảy ra trong cảnh đổ nát của Tokyo sau chiến tranh. Tôi từng đánh gục lính Mỹ khi hắn cưỡng hiếp phụ nữ Nhật Bản, hoặc nện những tên vô lại một trận nên thân trên đường phố trung tâm. Tôi lo sợ rằng tinh thần và kỹ pháp trong lúc tập luyện Karate của tôi sẽ hoang tàn như quang cảnh những đường phố, và đó là lý do xác thực nhất buộc tôi phải lên núi tu luyện.

Hầu hết bạn bè đều phản đối việc này. Họ nói rằng trong thời đại của bom nguyên tử, một nắm tay sắt thép không thể thắng nổi súng đạn, cho nên sự tôi luyện Karate không cần thiết phải làm như vậy. Họ khuyên tôi hãy ở lại để làm ăn buôn bán thì tốt hơn. Tôi nói với họ, tôi chỉ là một trong số 80 triệu người của Nhật Bản, tôi sẽ trở thành một thằng ngu cũng không sao. Cố đè nén những lời phản đối xung quanh, tôi lên núi.

Tôi tôn kính võ sư tiền bối Miyamoto Musashi. Đặc biệt, tôi thích bút pháp của tiên sinh Yoshikawa Eiji đã miêu tả lại cuộc đời Miyamoto. Tu luyện trên núi, hành lý quan trọng nhất đối với tôi là bộ sách (8 quyển) “Miyamoto Musashi” của tiên sinh Yoshikawa Eiji. Ngoài ra còn có kiếm, thương, súng săn. Tôi cũng vác theo bộ tạ, nồi niêu, mỗi thứ với hạn độ ít nhất rồi đặt tất cả vào căn lều nhỏ ở gần đỉnh núi.

Sinh hoạt trên núi của tôi diễn ra hàng ngày từ 4 giờ sáng. Sau khi tinh thần tỉnh táo với dòng suối nhỏ gần đó, tôi chạy lúp xúp trở về lều. Tập tạ để luyện thể lực, sau đó ăn uống, đọc sách. Bữa ăn thường nhật của tôi chỉ có cơm và tương. Tập luyện Karate chính thức vào buổi chiều. Tôi quấn rơm trên thân cây và luyện tất cả các kỹ thuật: đấm, chặt, xỉa, đá…

Khoảng một năm rưỡi sau, những cây cối quanh căn lều đều trở nên trơ trọi. Một năm ruỡi, dù mưa rơi gió thổi, dù mùa hạ hoặc mùa đông, tôi vẫn không nghỉ lấy một ngày. Vào ban đêm, tôi vẽ một vòng tròn trên giấy, gián lên vách lều, tôi nhìn vào đó để thống nhất thân tâm.

Cảm giác đơn độc trong đêm khuya trên núi, không một bóng người đối thoại quá sức tưởng tượng của tôi. Đôi lần tôi giật mình khi nghe tiếng kêu của chim thú. Mong gần gũi với chim thú, vào ban ngày tôi dải thức ăn quanh căn lều. Những chim thú hoang dã không quen loài người lắm nhưng trong mấy tháng, chim thú ở Kiyosumi tập trung vào căn lều của tôi. Thân thiện với hoang thú không phải tôi đã giải phóng hoàn toàn cảm giác cô độc, hình ảnh phụ nữ hiện đầy trong tâm trí, tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc hạ sơn.

Tôi nghĩ ra biện pháp ngăn chặn việc xuống núi của mình bằng cách cạo rụng một bên lông mày và để cho râu tóc mọc tự do. Khi soi trên mặt nước tôi kinh ngạc với gương mặt của mình. Tôi đã thành con người kỳ dị. Như vậy, nếu tôi muốn hạ sơn cũng không thể nào thực hiện được...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét