Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Thiếu Lâm Phật Gia

Con đường võ học Võ sư Băng Sơn tên thật là Bùi Quốc Sơn, được sinh ra trong gia tộc họ “Bùi Xuân” ở tổng Mao Điền - huyện Cẩm Giàng - tỉnh Hải Dương, một dòng họ có truyền thống thượng võ với các môn võ gậy, thiết lĩnh, lăn khiên, dao đôi, v.v... Từ thời phong kiến nhà Mạc đã cho lập Văn Miếu tại đây và cũng chính nơi này đã ghi lại dấu ấn của 128 vị tiến sỹ từng đỗ khoa cử , trong đó có Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm là người nổi tiếng nhất. Ngoài ra, tổng Mao Điền cũng là một địa danh mà các thầy võ xứ Bắc xưa mỗi khi nhắc đến đều có chút e dè, nể vì. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đội du kích Mao nổi tiếng với những chiến công trên đường quốc lộ 5 khiến đám giặc giã vô cùng khiếp sợ. Được sinh ra trên mảnh đất có truyền thống văn vật của quê hương, được lớn lên trong một gia đình có truyền thống võ nghệ mà ông nội là cụ Trương Cất (tên thật là Bùi Xuân Cật - 1908 - 1945) nổi danh với môn võ gậy khắp xứ Đông, thầy Sơn đã được thừa hưởng dòng máu thượng võ của gia tộc “Bùi Xuân”. Từ nhỏ đã được các ông, các bác trong dòng tộc và phụ thân truyền cho những thế võ, đường gậy....với những bài võ Ngọc trản,Thần đồng, Tấn nhất ô du, Thiết lĩnh, Long quyền, Hổ quyền... nên lòng đam mê võ thuật của ông ngày càng tăng cao. Năm 13 tuổi được Đại sư Băng Tâm (tên thật là Lý Chấn Hoà - sinh năm 1898), chưởng môn phái Thiếu Lâm Phật gia, là người Hoa lánh nạn sang Việt Nam thời Cách mạng dân quốc (năm 1937) nhận làm con nuôi và truyền dạy võ công Thiếu lâm và đặt pháp danh là “Băng Sơn” theo pháp danh của Đại sư. Năm 1988 khi tình hình bên nước nhà đã ổn định, với lòng nhớ cố hương khôn nguôi và nỗi niềm của một người xa quê, Đại sư Băng Tâm trở về Trung Quốc và giao quyền điều hành môn phái cho võ sư Băng Sơn dưới sự dìu dắt bảo trợ của sư thúc (Viễn Trí 1920-2006) và sự trợ giúp của các đại sư huynh trong môn phái. Sau này một kỳ duyên nữa đến với thầy Băng Sơn là được Đại sư Đoàn Tâm Ảnh sinh năm 1900 - Pháp danh “Thanh Hư Chân Nhân”, chưởng môn phái “Võ Lâm Côn Lôn” đặc cách thu nhận làm môn đồ, là một trong thập nhị đại đồ đệ của Đại sư. Đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã từng theo học Đại sư phụ Mộc Đức thiền sư tại chùa Phi Lại Tự – núi Sơn Đầu - đỉnh Mã Dương Cương Trung Hoa hơn 10 năm từ năm 1913, được đại sư phụ Mộc Đức thiền sư cùng Đại sư Bắc Phong hoà thượng, chưởng môn Thiếu Lâm Bắc phái (vốn là võ lâm đồng đạo) đứng ra tác hợp với học trò của Đại sư là Hoa Cẩm Tú và cho xuống núi hành hiệp với pháp hiệu là La Tô. Hai người nổi tiếng khắp một góc đất Trung Hoa: một người nổi tiếng với quái côn và một người nổi tiếng với vuông lụa bạch.

Chiến tranh Hoa Nhật nổ ra, gia đình bị ly tán, vợ chồng thất lạc nhau. Sau nhiều năm tìm kiếm vô vọng, Đại sư Đoàn Tâm Ảnh trở về Việt Nam. Năm 1932 về đến Quảng Ngãi, sau đó qua Cămphuchia, Lào. Năm 1944 ông trở về Bạc Liêu, những năm tháng này ông lấy cửa chùa làm nơi nương tựa để hành hiệp lấy pháp danh là “Thiện Tâm”. Trong thời gian này ông đã trừ khử rất nhiều tham quan ô lại và bọn cường hào ác bá. Cuối năm 1944 ông tiếp tục xuất ngoại qua các nước như Mã Lai, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Phi Luật Tân... để truyền bá và học hỏi thêm về võ thuật. Năm 1960 Đại sư sáng lập Võ Lâm Đạo Việt Nam và thành lập Tổng hội Võ Lâm Việt Nam ở Cần Thơ, Đại sư cũng chính là trác giả của bộ sách Võ Lâm Đạo Việt Nam (xuất bản trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam). Năm 1964 ông trở về Sài Gòn truyền bá võ thuật và điều hành môn phái từ đó đến nay. Đại sư đã đào tạo ra nhiều cao thủ võ lâm trong thập niên 60 – 70 như Hàng Thanh, Lạc Hà, Hùng Phong, Vũ Đức (các vị này hiện đã định cư tại nước ngoài)....

Khắp miền Nam, nơi nào cũng có học trò mở lớp giảng dạy Võ Lâm. Với sự dạn dày kinh nghiệm qua bao năm tháng hành hiệp, truyền bá võ thuật, ông đã chắt lọc những gì tinh hoa nhất của võ thuật mà ông đã học hỏi được truyền thụ cho võ sư Băng Sơn và giao cho một sứ mạng quan trọng là truyền bá phát triển môn Võ Lâm ở miền Bắc - với pháp danh là Bắc Phong Chân Nhân (Đại sư Đoàn Tâm ảnh chủ trương hưng đạo môn Võ Lâm Việt Nam cùng thập nhị đại đồ đệ). Với tinh thần cầu tiến và không ngừng học hỏi, thầy Băng Sơn còn theo học thêm Đại sư Trần Công (sinh năm 1920) - pháp danh “Huyền Công Đạo”, chưởng môn phái Không Động và được Đại sư truyền cho một số môn binh khí đặc dị và bí pháp của võ thuật. Với thiên tư võ thuật cộng với sự tập luyện nghiêm túc, thận trọng, thầy Băng Sơn được Đại sư rất yêu quý. Đại sư Trần Công là một trong thập đại đồ đệ của Đại sư phụ Mao Diệp Sinh người Hoa đã có thời sang sinh kế tại Việt Nam. Người (Đại sư Trần Công) là môn đồ người Việt duy nhất trong số các cao đồ người Hoa của Đại sư Mao Diệp Sinh. Đại sư Trần Công vốn là hậu duệ nhiều đời của Trần Quang Khải - một tôn thất nhà Trần ở thế kỷ thứ 13 ở phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay).

Ông đã suy nghĩ trăn trở rất nhiều về võ học cổ truyền của dân tộc, sau nhiều năm nghiên cứu suy tư, ông đã tham bác nhiều ý kiến của các kỳ lão trong làng võ cổ truyền dân tộc cũng như trong dòng tộc Trần gia để rồi đã sáng lập ra võ phái Đông A mà ông là chưởng môn đầu tiên. Một dòng võ dân tộc có rất nhiều bí kíp võ học dân tộc và bí kíp của dòng tộc Trần gia. Hiện ông vẫn còn giữ được những đường kiếm bí truyền của “Vạn kíp bí truyền tông thư” đời Trần. Đại sư sử dụng được hơn 20 loại binh khí và nhiều môn ám khí độc, đặc biệt là kỹ thuật kiếm pháp rất cao minh. Người được giới võ Bắc Hà tôn xưng là: “Vương kiếm”. Người đã từng giành giải vô địch kiếm song năm 1960. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Người đã từng huấn luyện võ thuật cho lực lượng thanh niên tự vệ quê nhà (Nam Định).

Sau năm 1954, Đại sư cùng lão võ sư Trần Đình Tùng được mời huấn luyện võ thuật cho các lực lượng võ trang tại Hà Nội. Đặc biệt năm 1956 ông đã vinh dự được Hồ Chủ Tịch đến thăm hỏi tặng huy hiệu Trai Anh Hùng, cũng chính Người đã biên soạn các bài bản, đòn thế, quyền cước, kiếm, đao, võ tự vệ trong lực lượng võ trang nhân dân Việt Nam năm 1970. Cạnh đó, Người cùng lão võ sư Trần Đình Tùng liên tục mở các lớp võ thuật cho tất cả giáo viên sơ – trung cấp toàn miền Bắc. Người cũng đã nhiều lần trực tiếp tham gia biểu diễn võ thuật, trong đó có lần biểu diễn tại làng Đình Bảng - Bắc Ninh (với hai bài Điệp Hoa kiếm - Song hổ vĩ côn), Đại sư đã được đoàn thượng khách Indonesia hoan nghênh nhiệt liệt và Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi. Đại sư Trần Công là một trong những người đầu tiên có công thành lập xây dựng phát triển Hội võ thuật Hà Nội theo chủ trương của Uỷ ban T.D.T.T.T.W, sở T.D.T.T Hà Nội, là vị chủ tịch đầu tiên của Hội võ thuật Hà Nội. Người đã vinh dự được Liên đoàn võ Việt Nam bầu là người số 1 trong làng võ Việt Nam, người thứ hai là Đại sư Đoàn Tâm ảnh vì có nhiều công lao xây dựng phát triển nền võ thuật Việt Nam.

Năm 1994 do tình hình sức khỏe, ông nghỉ không tham gia phong trào nữa, hiện nay đang an hưởng tuổi trời tại nhà riêng ở Hoàng Hoa Thám – Hà Nội. 2. Sự hình thành và phát triển võ phái Võ Lâm Phật Gia Năm 1984 sau khi phục vụ quân đội một thời gian võ sư Băng Sơn trở về gia đình. Lúc này phong trào võ thuật của Hà Nội đang phát triển khá rầm rộ, các lò võ được mở ra khắp nơi. Ông đã đi xem rất nhiều lò võ của các môn phái trên địa bàn Hà Nội và một số vùng lân cận. Sự học hỏi tham khảo này đã giúp ích cho ông rất nhiều trong việc xây dựng võ phái sau này. Trong thời gian tại ngũ – do đóng quân chủ yếu ở vùng biên giới phía Bắc, đây cũng là nơi tập trung rất nhiều dòng võ của đồng bào dân tộc thiểu số - với tính cách phóng khoáng, giao thiệp rộng, cộng với lòng say mê võ thuật ông đã quảng giao với một số người dân tộc Hoa, Tày, Nùng, Mông, Thái ở những nơi ông đã đóng quân. Thời gian này đã để lại một dấu ấn kỷ niệm thật sâu đậm trong ông. Ông đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm, thực tiễn trong võ thuật cùng các bài võ, đường võ, thế võ bí truyền có chiêu số khác lạ của các dòng võ dân tộc. Người dân ở đây rất quý mến ông vì tính khiêm tốn, trung thực, ham học hỏi. Ông đã kết nghĩa huynh đệ với một số người Hoa, Tày, Nùng, Mông. Điều này đã giúp ông rất nhiều trong cuộc sống khó khăn của người lính nơi biên ải. Những năm tháng này đã hình thành một tính cách lớn trong ông, đó là lòng nhân ái và sự bao dung.

Sau khi trở về ông tiếp tục đến học tập võ thuật cùng đại sư phụ Băng Tâm và các huynh đệ đồng môn. Đã bao lần ông đã tham vấn sư phụ về các chiêu số, sự biến đổi khác lạ của các dòng võ dân tộc mà ông đã học hỏi được, ông đã đưa ra những nhận định riêng của mình về võ thuật – võ học dân tộc. Với đồng môn ông cũng đã mang những chiêu số để trao đổi, học hỏi, trắc nghiệm cùng các sư huynh, sư đệ và đã thu được kết quả cao, được đồng môn ủng hộ và nể phục. Ông đã được sư phụ đánh giá cao về nhận thức, tư duy võ thuật. Người rất đắc ý và đã chỉ dậy cho ông rất nhiều điều về võ thuật. Người có ý định hướng cho ông về võ nghiệp – võ đạo. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn với ông trong cuộc đời võ nghiệp. Sau nhiều năm miệt mài học tập và rèn luyện, được sự khuyến khích nhiệt thành của đại sư phụ Băng Tâm, Sư thúc Viễn Trí và sự ủng hộ nhiệt tình của các huynh đệ đồng môn. Ngày 01 - 05 - Ất Sửu (1985) ông chính thức mở võ đường riêng tại sân đền Hai Bà Trưng – trụ sở chính đặt tại 10B – Phố Đồng Nhân – Quận Hai Bà Trưng - Thành phố Hà Nội. Được phép của sư phụ, ông lấy tên hiệu võ phái là Võ Lâm Phật Gia (Chỉ môn võ xuất phát từ cửa thiền, được phóng tác theo lối chiến đấu của các loài mãnh thú trong rừng), đặc biệt ông đã vinh dự được sư phụ giao cho trách nhiệm lớn là người đại diện cho võ phái với sự hậu thuẫn của sư phụ, sư thúc, và các đồng môn, đặc biệt là có sự hậu thuẫn lớn lao về cả vật chất lẫn tinh thần của sư muội Băng Thanh (Lý Diệu Hương) - Vốn là con nuôi của sư phụ Băng Tâm (Hiện đang sinh sống tại Chợ Lớn – Sài Gòn). Kể từ đây làng võ Hà Thành cũng như giới võ lâm của Bắc Hà được biết tới Võ Lâm Phật Gia qua nhiều trận thi đấu giao hữu, với lối đánh chân chất, thực dụng, nhưng không kém phần hoa mỹ, nhất là cách hành xử của các môn sinh Võ Lâm khi giao đấu đều nhường trước 3 đòn rồi mới đánh trả, khi trả đòn đều nương tay, đòn sát điểm thời dừng không mang tính sát phạt - điều này đã gây không ít cảm tình cho giới võ lâm đồng đạo và thu hút được rất nhiều thanh thiếu niên tới tập luyện, chủ yếu là sinh các trường Đại Học Bách Khoa, Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Dược và các chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang thủ đô.

Thời điểm cao nhất của Võ Lâm có tới hàng trăm võ sinh tập luyện trong mỗi buổi tập. Trong thời gian này Võ Lâm Phật Gia đã tích cực tham gia mọi phong trào của địa phương, nhiều lần biểu diễn võ thuật phục vụ lễ hội tại đền thờ Hai Bà Trưng, Nhà văn hóa thanh niên Tăng Bạt Hổ, đã được chính quyền địa phương, phòng văn hóa thể thao Quận khen ngợi và ủng hộ. Sau này nhiều lớp võ cũng được mở ra tại Công viên Thống Nhất – Hà Nội. Tháng 6 – 1989 sau khi Hội võ thuật Hà Nội (trực thuộc Sở TDTT Hà Nội) chính thức được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận ông đã xin gia nhập Hội võ thuật Hà Nội. Ngày 14 - 06 – 1989, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội – Ông Hoàng Vĩnh Giang – đã ký quyết định công nhận Võ Lâm Phật Gia chính thức là thành viên của Hội võ thuật Hà Nội mà ông là người đại diện duy nhất. Cũng trong năm 1989 Hội diễn võ thuật cổ truyền thành phố Hà Nội lần thứ nhất được tổ chức ông đã đưa môn sinh tham dự cùng với các môn phái, võ phái khác của Hà Nội, trong thời gian này ông đã mở tiếp các lớp võ ở nhà văn hóa Văn Hóa Thể Thao Quận Hai Bà Trưng, Câu lạc bộ sinh viên Hà Nội – Beclin (Hồ Thiền Quang – Hà Nội). Năm 1990 ông đã mở các lớp võ tại trung tâm thị trấn Kẻ Sắt - Hải Dương, thị trấn Ân Thi – Hưng Yên. Năm 1991 tiếp tục mở các lớp võ tại Cung thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh, sân vận động Hòn Gai, nhà văn hóa thể thao huyện Quảng Yên – Tỉnh Quảng Ninh, nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Hải Dương, thị trấn Mộc Châu, thị trấn Hát Lót – Sơn La, thị trấn Điện Biên tỉnh Lai Châu đặc biệt là ở thành phố Hải Dương có võ sư trưởng chi phái Vũ Văn Toanh - với đường dao đôi, đoản côn, võ sư Vũ Nhật Tú - với môn võ gậy, Long hổ quyền. Ở Tuyên Quang có võ sư Đỗ Đức Nhuận người thành danh với môn Thiết chỉ công, Miêu trảo công – là những người thành đạt nhất, đã có nhiều công xây dựng phát triển môn phái. Ngoài ra còn có một số chi nhánh khác ở hải ngoại.

Sau một quá trình hoạt động và cống hiến, tháng 7 – 1998 ông được Hội võ thuật Hà Nội cấp giấy chứng nhận vì đã có thành tích tham gia xây dựng và phát triển Hội võ thuật Hà Nội. Tháng 6 – 1999, theo cơ chế quản lý nhân sự của Sở TDTT, ông Hoàng Vĩnh Giang phó chủ tịch ủy ban Olympic - tổng thư ký ủy ban Olympic quốc gai Việt Nam – Giám đốc Sở TDTT Hà Nội đã ký quyết định phong danh hiệu võ sư cho ông cùng 23 thành viên khác là ủy viên trong ban chấp hành Hội võ thuật Hà Nội. Tháng 9 – 2001, Tổng thư ký Hội võ thuật Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Hồ, đã ký quyết định chính công nhận võ đường Võ Lâm Phật Gia – do ông làm chủ nhiệm – là thành viên chính thức của hội Võ thuật Hà Nội. Không ngừng hội nhập, năm 2001 bản thân ông đã cùng các huấn luyện viên của võ phái tham dự các khóa tập huấn trọng tài – HLV Pencak Silat tích cực tham gia các giải thi đấu Pencak Silat do Liên đoàn Pencak Silat tổ chức, ông cũng đã cùng các HLV của võ phái tích cực tham gia các giải thi đấu Pencak Silat do Liên đoàn Pencak Silat tổ chức với tư cách là trọng tài – giám định viên, dù ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào ông đều nỗ lực công tác tham gia hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, và cống hiến hết khả năng của mình.

Trong những năm xây dựng và phát triển của võ phái, từ tháng 5 -1985 đến nay – năm 2005 – tính vừa tròn 20 năm, Võ Phái Võ Lâm Phật Gia ngày một trưởng thành vững bước và đã khẳng định được mình, xây dựng thành công cho mình một bản sắc, phong cách riêng biệt, đã hòa nhập cùng phong trào võ thuật của Hà Nội và phong trào võ thuật nước nhà. Ông đã sống đầy nhiệt huyết với những nốt nhạc thăng trầm của đời võ nghiệp. Phương châm sống của Ông là: Đối với mọi người: Nhân ái – Trung tín – Hòa hiếu. Đối với công việc: Nỗ lực - Cố gắng – Hoàn thiện. Đối với bản thân: Sống cần kiệm – Tu dưỡng rèn luyện – Nghiên cứu học hỏi - Hội nhập – Hoàn thiện. Trong việc xây dựng truyền bá môn Võ Lâm Phật Gia. Ông chủ trương “ Quý hồ tinh - Bất quý hồ đa”, thà dạy ít môn sinh có tư cách đạo đức chân chính, kỹ thuật cao, biết sống vì lợi ích của mọi người, tôn trọng kỷ cương pháp luật, chứ không chủ trương đào tạo nhiều người thiếu tư cách đạo đức, gây nhiều điều rối loạn trật tự kỷ cương xã hội.

Qua 20 năm giảng dạy, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, kế thừa và phát triển, Ông đã tổng kết kinh nghiệm, chắt lọc tinh hoa, hệ thống hóa về kỷ thuật căn bản, quyền pháp, khí giới, lập chương trình huấn luyện gồm 4 phần chính: 1. Võ nghệ thuật - biểu diễn. 2. Võ chiến đấu tự vệ. 3. Đào tạo phổ thông. 4. Đào tạo huấn luyện viên. Đặc biệt: Ông đã biên soạn thành công bộ Giáo Tài (Võ Lâm Việt Nam Tùng Thư – Giáo Tài Huấn Luyện). Gồm 9 tập: Tập 1: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Căn bản nhập môn. Tập 2: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Quyền phổ - Khí giới nhập môn. Tập 3: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Quyền - Cước công phu. Tập 4: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Kỹ thuật thực chiến. Tập 5: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Kỹ thuật bảo an phòng vệ. Tập 6 “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Võ lâm quyền phổ - Khí giới. Tập 7: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Danh quyền thực chiến. Tập 8: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Nội – khí - dưỡng sinh công. Tập 9: “Võ Lâm Việt Nam tùng thư”: Kỳ hoa dị thảo Võ lâm – Giang hồ. Nói về võ sư Băng Sơn có bài thơ sau: Một chín năm tám được sinh ra Bước vào võ học tuổi mười ba “Thiếu Lâm” đắc pháp mười năm lẻ “Không Động” thầy yêu cũng được truyền Đắc ngộ kỳ duyên “Côn Lôn phái” Một mình học được ba cái hay Ất Sửu tám nhăm gây dựng phái “Võ Lâm” đích thực rạng danh đời ./. 3. Đặc điểm kỹ thuật của võ phái Võ Lâm Phật Gia: Hệ thống kỷ thuật võ phái được xây dựng trên nền tảng nguyên lý âm dương – ngũ hành, triết lý của võ học cổ truyền đông phương dựa trên nền tảng ngũ hình quyền: Long - Hổ - Báo – Xà – Hạc. Trong đó hổ quyền luyện tập xương cốt tạo sức mạnh cơ bản, chủ luyện “cốt”. Báo quyền luyện sức mạnh cơ bắp, sức bật tốc độ, chủ luyện “lực” . Long quyền luyện gân sức sự dẻo dai nhu hòa, chủ luyện “thần”, xà quyền luyện thân pháp, eo, lưng, tay chân mềm dẻo linh hoạt, chủ luyện “khí”, hạc quyền luyện sự thăng bằng trầm tĩnh, chủ luyện “tinh”. Trong đó hổ quyền luyện “ngạnh công”, báo quyền, long quyền chủ luyện “nhu công”. Xà quyền, hạc quyền chủ luyện “miên công”.

Đặc trưng kỹ thuật của võ lâm phái là: Thủ nhu và tấn cương Không đối lực trực tiếp Nương theo đòn hóa giải Chiêu thức cần liên hoàn Đoản trường luôn tương hổ Cương nhu cùng phối triển Giàu triết lý, nghệ thuật Chiến đấu hiệu quả cao Là môn võ phù hợp Với con người Việt Nam Hòa hiếu và thượng võ Môn phái Võ Lâm Phật Gia là sự kết hợp tinh hoa của 2 dòng võ: Võ thuật cổ truyền Việt Nam và võ thuật cổ truyền Trung Hoa. Hai chữ “Võ Lâm” chỉ tinh hoa đã chắt lọc được từ dòng võ cổ truyền Việt Nam và Trung Hoa với ý nghĩa: “Môn sinh không bao giờ quên tổ quốc, đặt tổ quốc trên hết”. “Võ Lâm” còn chỉ biển võ học mênh mông như rừng như biển, môn sinh võ lâm nên tự biết sức mình và luyện tập. Hai chữ “Phật Gia” chỉ cội nguồn môn võ xuất phát từ cửa thiền, dùng rèn thân – tu chí với ý nghĩa: “Môn sinh Võ Lâm không bao giờ quên nơi mình sinh ra”. Nó còn nhắc nhở: “Môn sinh Võ Lâm luôn hành thiện trong đạo xử thế”. Võ Lâm Phật Gia với những kỹ thuật chân truyền – Thực chất mang tính chất nghệ thuật chiến đấu cao, một kỹ thuật bao gồm cương nhu tương tế, mang bản sắc huyền diệu thanh thoát của hai dòng võ Việt – Trung, với phương châm hành đạo xử thế là Trung nước – Hiếu nhà – Hòa xã hội Có thể nói rằng Võ Lâm Phật Gia là sự kế thừa, lưu giữ và phát triển, mang bản sắc dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét