Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Truyền thuyết thiếu lâm tự

Theo các nhà biên niên sử, tất cả các môn phái ngoại gia đều phát triển từ một trung tâm. Đó là ngôi chùa Thiếu Lâm nổi tiếng nằm trong dãy núi Tung Sơn ngay giữa nước Trung Hoa. Ngôi chùa độc nhất vô nhị đó đã đóng dấu ấn vào giới võ lâm ít ra là vì hai lý do quan trọng. Trước hết nó liên hệ đến lịch sử Phật giáo Thiền Tông (Nhật gọi là Zen), và người ta cũng biết Phật giáo Thiền Tông đã ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ tư tưởng của Phương Đông.

Ngôi chùa được xây dựng vào năm 495 do Hoàng Đế Hiếu Văn Đế trong một khung cảnh có tính cách tượng trưng. Ngọn núi Tung Sơn nằm ngay trung tâm 4 dãy núi của Trung Quốc. Chùa được cất lên cho một vị sư gốc Ấn Độ tên Bạt Đà mà người Trung Quốc gọi là Phật Đa. Ông thường được mô tả với một vẻ mặt vui vẻ và thân hình mập mạp. Chương trình xây cất đầu tiên của chùa là một bảo tháp hình tròn có lan can bao quanh. Các nhà sư thường vừa đi vừa đọc kinh dọc theo hành lang này.

Khoảng một thế kỷ sau, một vị sư tên Đạt Ma đến tại Thiếu Lâm và giảng dạy một hình thái Phật giáo phái khác mà người ta gọi là Thiền Tông tại Trung Quốc hay Zen tại Nhật. Để các vị sư có thể chống lại cái khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết trong khi tu hành-đây là tầm quan trọng thứ hai của ngôi chùa- nhà sư Đạt Ma, sau gọi là Bồ Đề Đạt Ma, đã dạy cho các đệ tử những kỹ thuật về luyện khí được gọi theo tên các con vật như hổ, báo, gấu, hạt, xà. Đó là những yếu tố đầu tiên đặt căn bản cho một nền võ thuật được gọi là Thiếu Lâm quyền pháp cổ thức.

Vào thời đại cực thịnh của mình cách đây 1300 năm, ngôi chùa có đến trên 1500 vị sư, trong đó ít nhất 500 người được học võ nghệ tuyệt luân. Ngôi chùa đã nhận từ Hoàng đế Thái Tông nhà Tống quyền được huấn luyện các nhà sư về mặt võ nghệ. Điều này được ghi trên một bia ký hiện còn giữ tại Thiếu Lâm Tự.

Quả vậy khi Trung Quốc bị các rợ miền Bắc xâm lăng, các nhà sư đã đến tiếp cứu Hoàng đế. Họ gồm 13 người và sau khi chiến thắng quân xâm lược họ được Hoàng đế ban thưởng các chức vụ quan trọng trong triều, nhưng họ đều từ chối. Họ nghĩ hành sự võ học bình lập lại họ phải trở lại Thiếu Lâm Tự. Tuy nhiên nếu một ngày nào đó, Hoàng đế cần đến họ thì họ sẽ trở lại để chiến đấu.

Trước lòng tận tụy hy sinh đó, Hoàng đế Trung Quốc quyết định thưởng bằng cách cho phép họ đào tạo những nhà sư về mặt võ học. 1000 năm sau một vị Hoàng đế khác lại cầu cứu đến các vị sư này. Các vị sư đó gồm khoảng 128 vị, được lãnh đạo bởi Chang Kwan Tat, một người thuộc phe nhà Minh đã từng đánh nhau với quân Mãn Thanh trước khi rút về qui ẩn tại chùa. Khi chiến tranh đã chấm dứt họ lại từ chối các bổng lộc Hoàng đế ban cho để trở lại ngôi chùa.

Theo như lời kể của Thiên địa hội, Hoàng đế đã tặng cho ngôi chùa để tưởng thưởng công lao hạng mã của họ một thanh kiếm báu, một vòng cẩm thạch và một ngọc tỉ. Ngọc ấn này cho phép họ một quyền lực như một vị Hoàng đế. Tất cả các quyết định có đóng ngọc ấn thì có quyền như chính của vua ban ra.

Một vài năm sau Hoàng đế qua đời, con là Sùng Chính lên nối ngôi. Một viên tri phủ mới được phong tại tỉnh Hà Nam là một con người vô lương tâm. Từ lâu y có lòng ham muốn tất cả những tặng phẩm mà vị tiên đế đã ban cho ngôi chùa, đặc biệt là ngọc tỉ. Y đề nghị các vị sư cho mua lại ngọc tỉ nhưng bị từ chối. Việc từ chối của các nhà sư làm y cảm thấy bị tổn thương và càng ham thích hơn. Thế là y quyết định phá cho bằng được ngôi chùa. Để làm được việc đó, tên tri phủ độc ác quyết tâm thực hiện một âm mưu.

Thoạt tiên y trình tấu Hoàng đế phải đề phòng chống lại thế lực các vị sư Thiếu Lâm. Lấy lý do là vị trí địa lý quan trọng của ngôi chùa có tính cách chiến lược, rất hiểm yếu. Mặt khác, tên tri phủ cũng tìm cách mua chuộc Mã Nhất Phu, một vị sư bị đuổi khỏi thiếu thất vì bị thoái hoá. Vị sư này biết rõ mọi ngóc ngách của ngôi chùa. Vị Hoàng đế trẻ bị tên tri phủ bẩm báo sai lạc đã ra lệnh cho quân đội đến tiêu diệt ngôi chùa Thiếu Lâm. Quân binh vây kín mọi nẻo, các nhà sư không còn cách nào thoát thân. Phương trượng của chùa quyết định bảo vệ thiếu thất. Cuộc chiến diễn ra. Bị khuất phục trước số đông, những kẻ bị vây hãm chết dần mòn trong một cuộc chống cự anh dũng. Họ quyết định chiến đấu cho đến người cuối cùng. Họ rút vào chánh điện trong lúc quan quân bắt đầu đốt chùa để ép các nhà sư phải ra hàng. Vị phương trượng đi vào mật thất để chiêm nghiệm. Khi trở lại, ngài đã có câu trả lời "một vài vị sư phải sống sót để còn tiếp nối truyền thống của Thiếu Lâm Tự, tất cả những người khác phải hy sinh để bảo vệ các vị đó đào thoát".

Vị phương trượng ra lệnh cho các đệ tử đi theo con đường tử lộ. Việc vượt qua con đường hầm này là một thử thách cho tất cả những ai muốn thành đạt tại thiếu thất. Con đường được trang bị những mộc nhân, các sinh đồ phải vừa chứng tỏ mình có võ thuật cao cường vừa có dũng khí chịu đựng. Cuộc thử thách rất cam go này ít ai vượt qua nổi, các người không thành đạt sẽ bị rơi vào bẫy hoặc bị các la hán đánh gục ngã trên đường. Vị phương trượng cùng một nhóm nhỏ các vị sư cương quyết bảo vệ cho bằng được cuộc đào thoát bằng cách kéo dài cuộc chiến đấu để giữ chân các quân binh. Sau đó, các quân binh mới hoàn toàn chiếm cứ chùa.

Theo truyền thuyết, trong cuộc đào thoát của các vị sư thì chỉ có 5 người thoát ra khỏi được con đường hầm tử thần. Tên của họ là Lưu, Hồng, Thái, Lý và Mạc. Sau cuộc chiến tàn khốc đó, họ trở lại chùa và tìm thấy thi hài của phương trượng bên cạnh có cây kiếm bằng gỗ anh đào. Trên cây kiếm có dòng chữ được viết bằng máu "Phản Thanh phục Minh", nghĩa là lật đổ nhà Thanh để khôi phục nhà Minh. Các nhà sư đã minh thệ sẽ tuân thủ ý nguyện cuối cùng của sư phụ trước khi họ chia tay nhau để đào tạo lớp đệ tử mới cho Thiếu Lâm Tự. Họ lấy nắm tay mặt để làm mật hiệu nhận ra nhau. Nắm tay mặt tượng trưng cho ánh mặt trời được bao lại bằng bàn tay trái mở ra, biểu tượng của mặt trăng. Theo chiết tự, hai bàn tay "nắm-mở" mang ý nghĩa của chữ Minh. Cử chỉ chào kính truyền thống này sẽ được kế thừa bởi tất cả trường phais võ thuật như một gia sản của ngũ tổ.

Theo truyền thuyết, 5 vị tổ sư là những người đã sáng lập ra Thiên Địa Hội. Trong thực tế, hình như có khoảng hơn 100 vị sư bị chết, số người sống sót nhiều hơn là ngũ tổ. Người ta bảo một số sống trong các vùng đồi núi quanh chùa và ban đêm tìm về chùa luyện tập. Những người khác thì bỏ đi đến các ngôi chùa khác, và cũng có một số tiếp tục dạy võ Thiếu Lâm để làm kế sinh nhai. Người ta còn cho biết một vài người sống sót nhập vào gánh hát của Bắc Kinh. Đó là lý do gánh hát này có nhiều màn nhào lộn ngoạn mục và chiến đấu phối hợp nhau.

Trong thực tế ngôi chùa không bị thiêu huỷ hoàn toàn. Những năm tiếp theo triều đại của Hoàng đế Khang Hi, ngôi chùa lấy lại được vẻ tráng lệ của nó. Những ngôi nhà mới dựng lên trên các bức tường đổ nát, trên đó, các nhà sư đã vẽ ra những cảnh chiến đấu hoặc tay không, hoặc vũ khí. Ngoài những bức vẽ hoành tráng đó người ta vẫn còn thấy được khoảng sân với khoảng 40 chỗ lõm vào do dấu chân của nhiều thế hệ sư sãi luyện tập.

Các thế kỷ qua đi, chùa Thiếu Lâm không còn là trung tâm của Thiền Tông và của võ thuật. Vào năm 1928, ngôi chùa trở thành nơi trú ngụ của một viên tướng Phỉ tên Fang Chung Hsueh. Ông đã chọn chùa làm nơi đặt đại bản doanh của mình. Viên tướng Hsi Yousan đến vây hãm nhưng Fang Chung Hsueh đã tìm cách thoát thân cùng các vị tăng lữ trong chùa. Tức giận vì xổng mất con mồi, tướng Hsi Yousan đã nổi lửa đốt chùa. Và thế là tất cả các cổ thư Phật học cũng như các tài liệu quý giá về võ thuật đã bị phá huỷ. May mà ngọn lửa không phạm tới những căn phòng chứa các bức tranh hoành tráng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét