Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Huyền thoại một võ sư

Võ sư Phan Thọ là bậc thầy lừng danh “có bộ tay hay nhất Bình Định”, một trong số ít người còn bảo lưu được trọn vẹn Nhị thập tứ chi (24 món binh khí) của môn phái võ Tây Sơn cổ truyền, và là người nắm được những tinh hoa của môn võ này

30 năm... làm học trò!

Sau một hồi vòng vèo trong con đường làng của thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, Tây Sơn, đúng gia tria chúng tôi có mặt tại nhà võ sư. Ông đang có khách và rôm rả bàn chuyện ông phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Bình Định vừa tìm ông về vấn đề thực hiện 18 môn binh khí cổ truyền Việt Nam nhằm làm tư liệu để bảo tồn. Ông cười khà khà, tiếng sang sảng như chuông vỡ: “Đã tìm đến đây thì không cần biết nam hay nữ, nhất là nhà báo thì phải cạn một chung rượu rồi mới nói chuyện võ nghệ sau”. Nói đoạn ông xoay sang bảo đệ tử (người Bắc Giang - mê võ tìm vào theo ông học và ngụ tại nhà ông luyện tập) bê cái hũ rượu ra. Rượu Bầu là thổ sản lại ngâm thuốc giúp người luyện võ mạnh gân cốt. Tay nâng ly rượu đầy kề vào miệng, tôi liếc mắt nhìn ông, võ sư đã 80 tuổi rồi mà còn khỏe mạnh và minh mẫn quá. Trong tích tắc, cuộc trò chuyện giữa tôi và ông trở nên sôi nổi và thân mật hơn khi ông biết tôi là kẻ ngoại đạo nhưng rất mê võ thuật. Ông kể chuyện võ nghệ một cách say sưa, còn tôi thì cứ tròn mắt trầm-trồ. Có lẽ ông là người hiếm có trong chốn võ lâm thời bấy giờ: đã bỏ ra 30 năm chỉ để làm... học trò! Năm l5 tuổi, ông tìm đến An Vinh để theo học võ thầy Cai Bảy (Bảy Lụt), sau 5 năm học quyền thuật tại đây, ông tiếp tục tìm đến võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) để học kiếm pháp. Sau đó, ông lại tìm đến võ sư Hồ Ngạnh để học côn. Lúc bấy giờ, hễ ai xưng danh là đệ tử của một trong ba vị võ sư đó cũng đủ khiến thiên hạ nghiêng mình kính cẩn. Ấy vậy mà ông lại là học trò yêu của cả ba. Chuyện tầm sư học đạo của ông cũng lắm nỗi gian truân, và ông không bao giờ quên được lúc ông nài nỉ song thân của mình bán bớt hai con bò để làm lễ vật bái tổ và trả ơn cho thầy... Sự đam mê và khả năng lĩnh hội võ thuật của ông khiến các sư phụ rất thương và dốc lòng truyền thụ võ công. Khi các vị sư phụ tạ thế, ông nghiễm nhiên trở thành một vị vua không ngai trong làng võ Bình Định, dù chưa biểu diễn hay thi thố võ học lấy một lần nào cả!

Song đấu heo rừng

Cho đến một ngày nọ khi ông một thân một mình với cây gậy mà hạ thủ được gã lợn rừng độc khổng lồ nặng non một tạ rưỡi, đã húc trọng thương hàng chục võ sĩ có vũ khí trong vùng, thì người dân ở đây mới thấy được võ thuật tuyệt luân của ông. Ai nấy cũng đều trầm trồ: 30 năm tôi luyện chẳng bõ công- ông kể: ''Chuyện giết heo rừng là thế này. Hồi 9 năm kháng chiến. Có một con heo rừng hung dữ ra làm tổ trong đám mía tại núi Chà Rây -thôn 3 – Bình Nghi. Nó đã làm bị thương 3 anh em đi thăm mía. Tui nghe dân nói lại. Hôm ấy, mọi người kéo nhau đến nơi nó làm tổ, người thì đông, cây gậy thì nhiều nhưng không ai dám đánh heo, bởi nó hụt một cái thì y như bom thả, đố ai dám liều! Thế là tui đi. Dân làng đứng vây ngoài này cả một hec ta. Tui thì chỉ cuốc chỉa, vồ và một gốc tre khô. Tui tiến vào cứ la ''heo heo” ba lần rồi chạy vụt ra, ''ổng'' nghe tiếng thế là vùng chạy ào ra.

Vũ khí gãy, dân làng tiếp vũ khí. Quần nhau với nó cả tiếng đồng hồ chứ chẳng ít. Nó chết, 6 người khiêng mới nổi. ''Chiến lợi phẩm'' tui thu được trong trận quần thảo đó là cặp nanh của nó. Tới giờ này tui vẫn còn giữ làm kỷ vật đấy!''. Và ông lục trong tủ lôi ra cho tôi xem 2 cái nanh heo rừng: l nanh cái dài gần nửa gang tay và l nanh cấm.

Ba lần hạ gục võ sĩ Hàn Quốc.

Với võ sĩ Bốn Thọ, kỷ niệm sâu đậm nhất trong nghiệp võ, mà cũng là một huyền thoại để người ta truyền miệng với nhau về ông, đó là trận đánh sinh tử với thiếu tá Kim, huyền đai ngũ đẳng Taekwondo vào năm 1970. Một trận đấu ''vô tiền khoáng hậu'' một bên: 1,80m -75 kg và bên kia l,60m - 65 kg. Trận đánh ấy xảy ra là do nó đụng chạm đến tự ái dân tộc. Tên này đóng quân gần Bình Nghi và cậy thế mình giỏi võ Taekwondo nên đã thách đấu, hễ ai thắng thì có thưởng, ông ghét quá, thế là thượng đài, chơi liền. Dự định đánh trong vòng 10 hiệp. Nhưng chỉ mới ở hiệp thứ 3, bằng tuyệt chiêu ''Độc xà thám nguyệt”, ông đã đưa hắn vào... bệnh viện.

Lần thứ hai, ông thi đấu với võ sĩ Đại Hàn vào năm 46 tuổi. Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương tổ chức tại Pleiku, các sĩ quan Đại Hàn đã đưa một số võ sinh theo học Taekwondo từ Sài Gòn lên Pleiku để tham gia thi đấu võ đài. Sau đó, đoàn võ cổ truyền Tây Sơn có 20 võ sĩ, do võ sư Hà Trọng Sơn dẫn đầu cũng được mời lên tham gia. Võ sĩ của ta đã chiến thắng trước các võ sĩ Hàn. Sau cùng, viên sĩ quan trưởng đoàn Đại Hàn có một tên tùy tùng tên Joo đã đứng ra thách đấu với các võ sĩ đoàn Bình Định. Mọi người nhìn thấy hắn cao to, lại huyền đai ngũ đẳng Taekwondo nên đâm ra ''ngán”. Thấy vậy, hắn cứ dương dương tự đắc, coi thường tất cả. Ông sôi máu, tức khí, thế là ''vọt” lên sàn đấu. Nào, Một... Hai... Ba... Cái cặp giò của nó tung ra những cú đá vun vút, thoạt nhìn, trông ghê gớm lắm. Ông lựa thế, bất ngờ dùng Độc xà thám nguyệt,... Bị trúng vào hạ bộ, nó té nhào xuống sàn và trật khớp tay...Vậy là xin hòa chứ không dám xin đấu nữa.

Còn trận thứ ba vào năm 1998. Ông kể: Hôm ấy ngay tại sân nhà. Đoàn võ sĩ Hàn Quốc qua tìm hiểu võ Việt Nam, gồm 2 nam 2 nữ và ăn Tết ở Việt Nam tại Sở Thể dục thể thao. Họ tìm đến thăm tui và đòi xem tui múa võ. Một tay rất trẻ xem xong đã nhất quyết đòi đánh võ với tui ngay. Tui già rồi, chẳng màng gì chuyện hơn thua. Họ tự cao rằng, võ cổ truyền gì mà chưa đánh đã thua. Thế là tui nổi máu yêng hùng. Đánh thì đánh chứ ngán gì! Tay này cao hơn tui 2 gang tay, nặng hơn tui rất nhiều, ''chơi'' Teakwondo, còn tui ''chơi” võ Tây Sơn-đặc sản quê nhà. Vừa vô chiêu, cậu ta tung chân đá tui ngay một cú, tui né được và bảo rằng: ''Mi đá thì phải ngó thẳng địch thủ mà đá chớ!''. Cậu ta lại tung cú đá thứ 2, tui cũng né được, nhưng cú đá ấy lại đạp trúng hai cái trụ vôi của nhà bị nứt ngay, cái nhà rung rinh theo cú đá của hắn. Tui nghĩ cậu ta là khách tới thăm cái xứ ''khỉ ho cò gáy”, của mình, thế thì đáng quý lắm chứ, cho nên mình phải ''kỷ niệm'' lại cho khách quý một thứ gì chứ. Ấy vậy là tui khích ''Đánh dở mà qua Việt Nam làm gì. Nào đá thiệt mạnh vô...”. Hắn tức khí, thế là cậu chàng tung cả hai chân lên, tui chỉ ''khẽ'' gạt tay... té huỵch. Những cu cậu không phục, đòi đánh nữa. Ai dè bị tui dùng độc chiêu Độc xà thám nguyệt hạ gục. Sau cú bị đánh trúng hạ bộ cậu ta té xuống đất té ngửa, đầu đập trúng miếng đá cạnh chuồng bò, bị chảy máu đầu ... Sau khi thua, cậu ta phục và quyết tâm ở lại học võ hai tuần với tui.

Hồi phục phong độ!

Sau câu chuyện, ông mặc võ phục và biểu diễn vài chiêu cô vũ khí cho chúng tôi xem. Trước cơn mưa bụi, trong sân nhà, ông thật uy nghi trong bộ võ phục đen và cây thanh long đao trên tay. Những đường đao lả lướt nhưng thật dũng mãnh vùn vụt qua nhanh trước mất, tôi căng mắt nhìn từng đường biểu diễn của ông. Ông còn sung sức quá, cổ tay ông cứ xoay xoay làm chiếc roi xoay theo nghe rõ cả tiếng roi vun vút trong không khí. Tôi xem mãi không chán.

Nghiệp võ đối với võ sư Phan Thọ là trách nhiệm truyền lại cho thế hệ mai sau những gì mà ông tiếp thu từ kho tàng võ thuật bao la đã được đúc kết từ bao đời. Học trò của ông đã lắm người nổi tiếng, đoạt giải thưởng quốc gia, nhưng rồi vì lý do này nọ nên không hiếm người giải nghệ. Ông thực sự mong muốn có một truyền nhân đích thực để bảo lưu được 24 bộ môn binh khí của võ cổ truyền. Tuổi ngày càng cao, nỗi lo thất truyền võ học vẫn còn canh cánh mãi bên lòng huyền thoại sống của làng võ Bình Định. Ông chép miệng ''Ngày xưa, tui chịu cực chịu khổ học võ cả mấy mươi năm trời chỉ mong học cho được nghề tổ. Bây giờ, tụi nó sướng hơn nhiều, học chỉ vài ba năm, vậy mà ...''.

Theo Khoa học và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét