Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

ÐẠI NÉT VỀ MỘT SỐ CÔNG PHU TẬP LUYỆN VOVINAM

Tìm hiểu về một số công phu tập luyện của môn phái, có lẽ là cảm nghĩ thông thường và cần thiết nơi mỗi một huynh đệ trong những ngày đầu nhập môn và sau đó. Phần dẫn giải một cách tường tận đầy đủ và thông suốt về những cách thức tập luyện trên, thường thì ngay chính những môn sinh ở trình độ trung đẳng cũng ít khi có duyên may được thấu đáo.
Vì vậy mà những giải thích thô thiển của tôi ở nơi đây cũng chỉ là một đáp ứng phần nào cho phần kiến thức của quý bạn ở trình độ sơ đẳng mà thôi, và rất mong quý thầy có dịp giảng dạy thêm cho chúng ta.

II. CÁC CÔNG PHU TẬP LUYỆN:

Bàn về các công phu tập luyện trong phạm vi võ thuật và võ đạo của môn phái, ta thấy ít nhất là có khoảng bảy cách thực tập rèn luyện tinh thần và thể chất, đại loại như sau: nội công, ngoại công, thần công, khí công, ngạch công, nhuyển công, tâm công ..v.v...

NỘI CÔNG: Nội công là công phu tập luyện dùng Ý - KHÍ chuyển thành sức mạnh tiềm ẩn bên trong. Nhờ đó người tập có thể vận dụng và điều khiển nôi lực để chống đỡ sức mạnh từ bên ngoài đánh vào, bảo toàn được sự lành mạnh cho cơ thể. Sức chịu đựng bền bỉ cũng là một hình thức biểu hiện của nội công.

NGOẠI CÔNG: Ngoại công là công phu tập luyện về gân cốt và bắp thịt được gân guốc dắn chắc. Thân thể đanh thép, dắn chắc, nở nang chính là biểu hiện của ngoại công.

THẦN CÔNG: Thần công là sức mạnh vô biên do công phu tập luyện cao độ có được trong một con người. Sức mạnh tiềm tàng vô biên đó không phải chỉ có sức và Khí lực không thôi, mà còn bao gồm cả sức mạnh vể TƯ TƯỞNG - Ý CHÍ. Trong tư tưởng và ý chí có điện lực cực mạnh phát sinh từ nội tạng và thần nhãn (đôi mắt) tỏa ra để khiếp phục ngoại nhân,
ngoại giới. Chính vì thế nếu người tập thiếu chuyên nhất, hoặc giả có nhiều chuyện ưu sầu rối loạn thì khí tận thân tàn, bị giảm sút tinh anh và hao mòn cơ thể. Ðạt đến mức cao là tâm cơ linh mẫn, ý lực vô biên, ung dung tự tại. Võ gia mà tập luyện - đến mức độ gặp khó không sờn, gặp nguy không núng, thương hàn cảm mạo ít khi xâm nhập được, bi thương của cuộc đời không nhận chìm được, nghịch cảnh gian lao không làm cho mõi gối chồn
chân, ấy cũng chính là những biểu hiện của thần công đã đến một mức độ khá cao.

KHÍ CÔNG: Khí công là công phu tập luyện về hơi thở để điều hòa kinh mạch và khí huyết trong những trường hợp bị nội thương, mệt mỏi hay tâm thần bất an hoặc ngay chính trong trạng thái bình thường. Có thể nói khí công là một phương pháp luyện tập thần công hiển hiện nhất. Ðạt đến mức cao độ của khí công thì thần sắc luôn luôn điềm tỉnh, vui buồn lo lắng, yêu ghét ít khi tỏ lộ ra bên ngoài.

NGẠNH CÔNG: Ngạnh công là công phu luyện tập thuần cương, dùng khí và lực vận vào gân xương bắp thịt để chống chọi lại sức mạnh từ ngoại giới. GỒNG chính là một hình thức của ngạnh công.

NHUYỄN CÔNG: Nhuyễn công là công phu tập luyện thuần nhu, ẻo lã dẻo dai, nhuần nhuyễn. Thân - thủ - Bộ pháp và Ý lực - Khí lực hoà hợp thành một. Ðạt đến cao độ thì người tập có sức chịu đựng ghê gớm. XIỆC chính là hậu thân cũa võ thuật và là một hình thái của nhuyễn công.

TÂM CÔNG: Tâm công vừa chính là một công phu hàm dưỡng lại cũng chính là một chiến pháp cực kỳ cao diệu của VÕ GIA - BINH PHÁP GIA - CHIẾN LƯỢC GIA v.v... trong trường xử thế hay trên trường chiến đấu. Bởi vì môn phái chúng ta là một môn phái võ đạo có quan điểm HÀNH ÐẠO đứng đắn, đó là CẢI THIỆN NHÂN SINH - PHỤC VỤ CON NGƯỜI. Vì thế ngoài 6 công phu tập luyện kể trên, chúng ta cũng cần phải học cả cách xử thế, đối nhân - đối việc của tập thể, chớ không phải chỉ biết có học võ không mà thôi.

Phép xử thế then chốt của môn phái chúng ta được cô đúc trong đạo Sống Việt Võ Ðạo đó là: SỐNG - ÐỂ CHO NGƯỜI KHÁC SỐNG - SỐNG CHO NGƯỜI KHÁC. Ðây chính là Bí Pháp TÂM CÔNG mà chúng ta cần phải nghiền ngẫm suốt cuộc đời.


III. KẾT LUẬN:

Trên đây chỉ là một sự hiểu biết hết sức hạn chế của tôi về các công phu tập luyện của môn phái chúng ta. Trộm nghĩ rừng võ học mênh mông, cho dù chúng ta có tập trung cả đời cho việc rèn tập công phu thì cũng chỉ đạt mức cao nào đó mà thôi, vì nghệ thuật thì bao la vô cùng tận, cái mà chúng ta cần đạt tới và có thể đạt được là cái HỒN của võ chứ không phải và không cần cái XÁC của võ. Cái HỒN của võ chính là chí khí và niềm trung trinh tiết tháo của một con người, nhất là đã từng biết đặt tay lên tim.

Hay nói một cách khác, trong buổi Môn suy này, chúng ta không thể say sưa cho việc huấn võ, hoặc học võ mà quên đi cội nguồn cùng cảnh ngộ của sư môn. Có say sưa cho những công việc ấy để rồi sau đó chúng ta sẽ thu nhận được gì nếu không là cách sống của một kẽ võ phu, kiêu ngạo và trái tim của một kẻ vong bản! Ân ích và hữu dụng chi chăng ?!

Ðó chính là TINH THẦN VÕ ÐẠO mà chúng ta cần lãnh hội và đạt tới hầu đủ định lực hàm dưỡng chí khí, khổ công luyện tập, tiến bước trên hành trình Tổ Quốc - Sư Môn. Chính vì vậy, theo tôi, Tâm Công là một công phu cao nhất và khó tập nhất mà chúng ta phải cần năng nghiền ngẫm cho chí suốt cuộc đời võ đạo của mình.



Bắt nguồn từ mục đích thứ ba trong ba mục đích huấn đạo của môn phái là huấn luyện môn sinh trên ba phương diện: VÕ LỰC - VÕ THUẬT - TINH THẦN VÕ ÐẠO. Võ lực là sức mạnh, sức bền, võ thuật là kỹ thuật dùng sức mạnh, sức bền ấy để ứng chiến với người và vật. còn tinh thần võ đạo là ý hướng dùng sức mạnh, sức bền ấy sao cho đúng đắn, hữu ích cho bản thân, gia đình cùng nhân quần xã hội. Ðặc biệt là nêu cao được chính khí của một kẻ sĩ giữa dòng đời phức tạp.

Ðể thực hiện ba chỉ tiêu vừa nêu, tất nhiên môn phái bắt buộc phải có đường lối, chủ trương minh bạch và một chương trình huấn luyện rõ rệt với những phương cách tập luyện hữu hiệu đủ để phát huy cả ba mặt TÂM - TRÍ - THỂ cho người môn sinh. Sau đây chúng ta
thử tìm hiểu về một số công phu tập luyện của môn phái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét