Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Võ thuật Thiếu Lâm ngày nay

Sau khi Nước CHND Trung Hoa được thành lập (năm 1949), võ thuật Thiếu Lâm được nhà nước và xã hội hết sức coi trọng, coi đó là di sản văn hóa quý báu của dân tộc Trung Hoa. Chức năng của võ thuật Thiếu Lâm cũng có sự thay đổi hết sức to lớn, từ việc sử dụng để chiến đấu trong quá khứ lịch sử nay được bổ sung thêm chức năng hoạt động thể dục tăng cường sức khỏe của người dân, do đó được phổ cập rộng rãi trong nhân dân.

Sự truyền bá võ thuật Thiếu Lâm hiện nay nhằm chủ yếu vào xã hội là chính. Năm 1954, huyện Đăng Phong coi kungfu Thiếu Lâm là hạng mục trọng yếu hội tông hội diễn nghệ thuật dân gian. Năm 1959, kungfu Thiếu Lâm được coi là hạng mục thể dục tham gia hội diễn phong trào thể dục tổ chức tại thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam). Trên phương diện phát triển rộng võ thuật Thiếu Lâm, năm 1958 huyện Đăng Phong thành lập Trường võ thuật nghiệp dư Đăng Phong, chuyên tu Thiếu Lâm kungfu, đồng thời mời võ tăng nổi tiếng Thích Đức Căn của Thiếu Lâm Tự làm huấn luyện viên trưởng của trường. Sau khi giữ chức huấn luyện viên trưởng, đại sư Thích Đức Căn đã đào tạo ra một loạt những nhân tài võ thuật Thiếu Lâm. Năm 1970, ủy ban TDTT huyện Đăng Phong cho tổ chức xây dựng lại Trường võ thuật nghiệp dư Đăng Phong, đồng thời mời võ tăng hoàn tục Dương Tụ Tài làm huấn luyện viên trưởng, sau đó mời thêm võ tăng Thiếu Lâm là Lương Dĩ Toàn tham gia phối hợp. Việc bồi dưỡng ra một loạt những nhân tài võ thuật Thiếu Lâm tại trường này có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của võ thuật Thiếu Lâm sau này.

Năm 1978, sau khi nhà nước Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, võ thuật Thiếu Lâm đứng trước cơ hội to lớn chưa từng có trong lịch sử. Năm 1979, Thập Ngũ Trung thuộc huyện Đăng Phong lần đầu tiên cho thành lập Đội võ thuật Thiếu Lâm chuyên nghiệp tại trường học. Năm 1980, trường võ thuật Thiếu Lâm được thành lập tại Thập Ngũ Trung, đồng thời do quyền sư nổi tiếng Thiếu Lâm là Vương Triều Phàm, Lã Học Lễ, Trịnh Thư Kỳ, Vương Tông Nhân giảng dạy. Trường võ được thành lập giành được nhiều sự ủng hộ to lớn của các giới trong xã hội. Năm 1979, Công ty điện ảnh Trung Nguyên của Hong Kong cho tiến hành quay bộ phim “ Thập tam hòa thượng cứu Đường vương” dựa theo cốt truyện “ Thập tam hòa thượng cứu Đường vương” trong lịch sử. Ban đầu sử dụng các diễn viên của Hong Kong và diễn viên của đoàn Kinh kịch tỉnh Hà Nam. Khi quay được một nửa, do thiếu võ thuật chính tông và việc kịch hóa diễn ra quá lớn , cho nên đổi tên phim thành “ Thiếu Lâm Tự”, đồng thời cho mời vận động viên võ thuật nổi tiếng toàn Trung Quốc là Lý Liên Kiệt thủ vai chính. Năm 1980 bộ phim được tiếp tục quay tại Thiếu Lâm Tự. Năm 1982 khi được trình chiếu lần đầu tiên tại Hong Kong và Trung Hoa đại lục, bộ phim đã dành được sự chú ý và đánh giá cao của nhiều khán giả trên thế giới. Bởi vì những cảnh trong phim là kungfu thật, võ thuật Thiếu Lâm chính tông. Chính từ sau khi trình chiếu bộ phim này mà đã hình thành nên làn sóng luyện võ thuật Thiếu Lâm của nhiều nước trên thế giới, hàng năm có biết bao nhiêu người đã đến Thiếu Lâm Tự để học tập.

Năm 1986 Thiếu Lâm Tự thành lập Hội nghiên cứu quyền pháp Thiếu Lâm do pháp sư Hành Chính làm hội trưởng, Vĩnh Tín, Ấn Tông làm phó Hội trưởng, tiến hành cho khai thác và chỉnh lý Thiếu Lâm kungfu, xuất bản tạp chí “ Thiếu Lâm Quyền”. Sau đó Thiếu Lâm Tự thành lập võ tăng đoàn, nhiều lần tổ chức ra nước ngoài biểu diễn để tuyên truyền võ thuật Thiếu Lâm.

Cùng năm này, nhà nước Trung Quốc cho đầu tư hơn 7 triệu nhân dân tệ, xây dựng khu huán luyện rộng 290.000 mét vuông cách Thiếu Lâm Tự 700 m về phía Tây, thực hiện chiêu sinh, bồi dưỡng nhân tài võ thuật Thiếu Lâm. Khu huấn luyện này từ tháng 9 năm1988 đến nay đã chiêu sinh hàng trăm ngàn học viên , trong đó có các học viên từ nước ngoài như Mỹ, Singapore, Úc, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sỹ…Năm 1999, huyện Đăng Phong đã phê chuẩn cho thành lập 34 trường võ thuật Thiếu Lâm, học viên đến từ trong và ngoài Trung Quốc có đến hàng vạn người.
(mahcmc.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét