Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

NGUỒN GỐC Suzucho Karate Do

Chưởng môn Suzuki Choji Suzuki Choji sinh ngày 10.6.1919 tại Kasagami, thành phố Tagajo, tỉnh Miyagi thuộc miền Bắc Nhật bản. Từ lúc còn là học sinh tiểu học và trung học Suzuki Choji đã theo học Nhu đạo và Karate. Năm 19 tuổi lên Tokyo làm việc cho một salon ô-tô, ông tiếp tục tập luyện, nghiên cứu võ thuật. Vào những ngày cuối tuần và ngày lễ, ông lặn lội về tận Nagasaki thụ giáo bí kíp môn Karate cổ truyền với một Samurai thuộc phái Takeno uchi ryu (trúc linh chi nội) từ lâu ẩn tích mai danh, chỉ thu nhận 3 đệ tử , trong đó có ông. Năm 1941, ông bị động viên, phục vụ ở các chiến trường Mãn Châu, Mã Lai. Cuối năm 1944, ông sang miền Bắc VN.
Năm 1945, Nhật đầu hàng quân đồng minh, Suzuku Choji quyết định ở lại VN, lấy tên Việt Nam là Phan Văn Phúc. Ông gặp cô Nguyễn Thị Minh Lệ (cô Năm), quen nhau, rồi trở thành vợ chồng và có 3 người con. Sau Hiệp định Geneve 1954, ông cùng gia đình về định cư ở Huế. Năm 1959, ông bắt đầu thu nhận võ sinh nhưng đến tháng 11/1964, Nha Thanh niên thuộc chính quyền Sài Gòn mới cấp giấy phép chính thức mở võ đường Linh Trường Không thủ tại ngôi nhà thuê của chính quyền ở địa chỉ số 8 Võ Tánh - tp Huế (dưới chân cầu Đông Ba) - nay là đường Nguyễn Chí Thanh. Theo truyền thống karatedo Huế, tên môn võ viết theo âm Hán Việt là "Không thủ đạo", đọc theo âm Nhật là "karatedo" nhưng nên viết hoa chữ "Do" - Karate Do - để thể hiện sự tôn vinh cái "đạo" của con nhà võ. Khoá võ sinh đầu tiên độ chục người, trong đó có ông Khương Công Thêm (trước ở gần Chợ Dinh), xa Huế từ Mậu Thân (1968), sau 1975 dạy karatedo ở Đồng Nai, hiện (2006) sống tại tp HCM.

Tháng 6/1964, thầy Suzuki mở một khoá đặc biệt để đào tạo huấn luyện viên, trong đó có ông Lê Văn Thạnh - hiện là Trưởng Bộ môn Karate thuộc Sở TDTT tỉnh Thừa Thiên - Huế, phụ trách khu vực Miền Trung, huấn luyện viên và trọng tài quốc gia. Năm 1973, ông được thầy Suzuki chọn làm trưởng tràng (võ đường).

Vợ chồng thầy thương yêu học trò như con. Có anh Đức ở Gia Hội nhà nghèo lại mê võ; nhịn ăn sáng bỏ từng đồng tiền lẻ để cuối tháng đóng học phí. Khi biết rõ hoàn cảnh, thầy cô không thu tiền mà còn cho Đức về sống và ăn ở trong nhà để tập luyện và học thêm nghề may võ phục. Có học trò làm trái ý thầy, các cao đồ định giấu thầy và bàn cách trừng trị; thầy liền ngăn chặn việc đồng môn dùng võ với nhau; ông dạy: "Tha thứ mới là khó. Chỉ có lương tâm là sự phán xét cuối cùng". Thầy Suzuki Choji cùng gia đình hồi hương vào tháng 12. 1978 và mất tại quê nhà Kasagami ngày 6.2.1995, hưởng thọ 77 tuổi. Sau khi Võ sư Chưởng môn Suzuki Choji qua đời năm 1995, con trai trưởng của ông là Võ sư Suzuki Tokuo trở thành Chưởng môn đời thứ hai.
Hệ phái Suzucho Karate Do Việt Nam
Suzucho là từ ghép của họ và tên võ sư sáng lập Suzuki Choji. Trước 1975, kho tàng võ học Suzucho Karate Do Huế mang đậm nét từ võ phái Takeno Uchi Ryu - một trong nhiều hệ phái Karate cổ truyền ở Okinawa mà thầy Suzuki Choji là một môn đồ. Sau 1975, thực hiện định hướng hội nhập quốc tế của ngành thể thao nước nhà, các võ đường karatedo Việt Nam ngày càng thống nhất về huấn luyện, thăng đai, tranh giải (và cả võ phục) như văn phòng kratedo quốc tế quy định. Từ Linh Trường không thủ đạo ở số 8 Võ Tánh - Huế năm 1960, đã phát triển nhiều võ đường ở khắp nơi.

Trước 1975, các môn đồ xuất sắc của VS Suzuki Choji như Khương Công Thêm, Ngô Đồng, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Xuân Dũng, Lê Văn Thạnh, thầy Nhuận (dạy Hoá ở ĐH Huế),...đã phát triển Suzucho Karate Do khắp các tỉnh miền Nam và ở nước ngoài. Các võ đường thường lấy tên Nhật (Suzucho Karate Do, Sackura, Go Ju Karate Do), nhưng cũng có võ đường lấy tên Hán Việt (Nghĩa Dũng; Đông Quân võ quán - của VS Hạ Quốc Huy ở đường Đống Đa tp Đà Nẵng;...).

Sau 1975, VS Nguyễn Văn Ái (GoJu Karatedo Huế) là Chủ tịch Hội Karatedo tp HCM nhiều nhiệm kỳ và đã đóng góp không nhỏ cho Karatedo tp HCM nói riêng và Karatedo Việt Nam nói chung. Các VS Lê Văn Thạnh, Đoàn Đình Long, Lê Công là những huấn luyện viên xuất sắc của đội tuyển karate quốc gia. Những vận động viên do các ông huấn luyện như Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà... đã mang về cho đất nước những chiếc huy chương vàng, bạc tại các đấu trường SEA Games và Asiad. Riêng VS Nguyễn Văn Dũng (Huế) đã có hàng vạn môn đồ.

Trước 1975, môn sinh karate Huế rất coi trọng luyện quyền, khi thi đấu được dùng hầu hết các thế trong quyền - các vũ khí trên cơ thể - thể hiện uy lực “tay không” - toàn thân gia binh. Việc rèn các vũ khí của cơ thể và luyện các bài thể lực được võ sư coi trọng đến mức khổ luyện. Nhận đẳng hiệu “huyền đai” là bước ngoặc đặc biệt trong đời của các thế hệ karateka thời đó, truyền thống trao đai đen trên đỉnh Bạch Mã của karatedo Huế còn được duy trì nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước. Sau 1975, để giữ an toàn cho vận động viên, đòn thế trong thi đấu “karate thể thao” được tinh giản theo định hướng của luật thi đấu karatedo quốc tế, của ngành thể dục thể thao VN.

Tới nay, karatedo Huế từ vườn ươm của thầy Suzuki Choji đã cống hiến cho đời nhiều công dân ưu tú, nhiều người là nhà khoa học, trí thức trẻ như Bùi Dũng (Tiến sĩ Triết học - Đại học Vinh), Nguyễn Văn Hiệp (Tiến sĩ Văn học - Đại học Quốc gia Hà nội), Lê Đình Khánh (Tiến sĩ Y khoa - Đại học Y khoa Huế), Phan Trung Đông (Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy), Bác sĩ Hồ Vũ Sang (bàn tay vàng trong giới phẩu thuật VN),...Thế hệ môn sinh cao tuổi thật khó quên một Ngô Đồng, đỗ tiến sĩ ngành Côn Trùng học đầu tiên của Đông Nam Á, Viện trưởng Viện đại học cộng đồng Quảng Đà (1974), khi du học đã đem môn Suzucho Karate Do Huế sang giảng dạy tại các đại học ở Mỹ; một Hạ Quốc Huy (*) tài hoa (tóc dài, lái jeep, thổi sáo, ngâm thơ, vẽ tranh, vô địch bắn súng colt, chăm sóc trẻ lang thang,...); một Nguyễn Xuân Dũng, dạy karatedo tại Sài Gòn năm 1970, Việt kiều yêu nước trong giới kỹ thuật cao của nghành điện tử và công nghệ thông tin; một Nguyễn Văn Dũng, nhà nghiên cứu văn hoá võ đạo duỗi rong khắp chốn,...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét